Các phương pháp xét nghiệm Covid-19 ngày càng thu hút nhiều người quan tâm tìm hiểu, trong bối cảnh dịch bệnh này đang hoành hành ở nước ta.

Hiện nay, có 2 loại xét nghiệm Covid-19 là xét nghiệm chẩn đoán và xét nghiệm kháng thể. 

Xét nghiệm chẩn đoán nhằm xác nhận hoặc loại trừ khả năng bạn đang bị nhiễm Covid-19. Và để phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh này, nhân viên y tế sẽ tiến hành xét nghiệm kháng nguyên – tức là tìm kiếm một thành phần trên lớp phủ bề mặt của virus, hoặc xét nghiệm PCR với mục đích phát hiện axit nucleic (chẳng hạn như RNA) thuộc về coronavirus.

Còn xét nghiệm kháng thể là tìm bằng chứng cho thấy hệ thống miễn dịch của bạn đã gặp virus SARS-CoV-2, nghĩa là bạn từng mắc bệnh trước đó.

Cụ thể, mỗi loại xét nghiệm nêu trên khác nhau như thế nào, cũng như độ chính xác ra sao? Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu sâu hơn nhé!

Phương pháp xét nghiệm kháng nguyên (hay còn gọi là test nhanh Covid-19)

Các phương pháp xét nghiệm Covid-19 khác nhau như thế nào?
Các loại xét nghiệm Covid-19 – Ảnh: lukasmilan – pixabay

Loại xét nghiệm chẩn đoán này thường được gọi là test nhanh Covid-19, vì thời gian quay vòng nhanh hơn nhiều so với xét nghiệm PCR. 

Xét nghiệm này cũng rẻ hơn nên đang được sử dụng để sàng lọc số lượng lớn người nghi nhiễm Covid-19.

Từ góc độ của bệnh nhân, xét nghiệm kháng nguyên giống với xét nghiệm sinh học phân tử, khi nhân viên y tế sẽ lấy dịch mũi họng để có mẫu xét nghiệm. 

Nhưng thay vì chờ đợi trong nhiều ngày, FDA cho biết xét nghiệm kháng nguyên có thể cho kết quả sau một giờ hoặc ít hơn. 

Xét nghiệm kháng nguyên có độ chính xác khá cao. Vì thế, kết quả dương tính có thể là chính xác. 

Tuy nhiên, loại xét nghiệm này có nhiều khả năng bỏ sót tình trạng bệnh. Do vậy, nếu bạn có các triệu chứng Covid-19 nhưng kết quả xét nghiệm âm tính, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm sinh học phân tử để loại trừ trường hợp âm tính giả.

Xét nghiệm sinh học phân tử (hay còn gọi là xét nghiệm PCR)

Các phương pháp xét nghiệm Covid-19 khác nhau như thế nào?
Các loại xét nghiệm Covid-19 – Ảnh: Kollinger – pixabay

Xét nghiệm sinh học phân tử được coi là phương pháp xét nghiệm chẩn đoán có độ nhạy cao nhất và kết quả rất chính xác. 

Trong hầu hết các trường hợp, nhân viên y tế sẽ thu thập chất nhầy từ mũi hoặc cổ họng của bạn bằng cách sử dụng một miếng gạc chuyên dụng. Một số xét nghiệm sinh học phân tử hiện sử dụng mẫu nước bọt và giúp mọi người cảm thấy thoải mái hơn. 

Xét nghiệm phân tử thường được gọi là xét nghiệm PCR (viết tắt của từ “Polymerase Chain Reaction” – phản ứng chuỗi polymerase), một kỹ thuật được nhân viên xét nghiệm sử dụng để phát hiện vật liệu di truyền của virus, FDA cho biết. 

Ngoài ra, thời gian quay vòng của xét nghiệm PCR thay đổi từ vài phút đến vài ngày hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào việc mẫu được phân tích tại chỗ hay được gửi đến phòng xét nghiệm bên ngoài.

>> Xem thêm: Khác biệt giữa kháng nguyên và kháng thể

Xét nghiệm kháng thể (còn gọi là xét nghiệm huyết thanh hoặc xét nghiệm máu)

Những điều cần biết về xét nghiệm kháng thể

Đây là xét nghiệm nhằm tìm kiếm kháng thể đối với coronavirus. 

Kháng thể là các protein mà hệ thống miễn dịch của bạn tạo ra để chống lại kẻ xâm nhập ngoại lai, chẳng hạn như virus. 

Xét nghiệm kháng thể Covid-19 không thể chẩn đoán tình trạng nhiễm Covid-19 ở hiện tại.

Tất cả những gì nó cho bạn biết là liệu bạn đã từng bị nhiễm bệnh vào một thời điểm nào đó trước đây hay chưa, ngay cả khi điều đó đã xảy ra cách nay vài tháng. 

FDA không cho phép thực hiện xét nghiệm kháng thể tại nhà. Bạn cần phải gặp nhân viên chăm sóc sức khỏe, họ sẽ lấy mẫu máu qua vết chích ở ngón tay hoặc từ tĩnh mạch trên cánh tay của bạn. 

Các phương pháp xét nghiệm Covid-19 khác nhau như thế nào?
Các loại xét nghiệm Covid-19 – Ảnh: geralt – pixabay

Mặt khác, cũng cần lưu ý không thể phát hiện được kháng thể cho đến ít nhất vài ngày sau khi bắt đầu nhiễm virus.

Xét nghiệm kháng thể Covid-19 không được khuyến nghị cho đến ít nhất 14 ngày sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Việc xét nghiệm quá sớm có thể dẫn tới kết quả thiếu chính xác. 

Đôi khi xét nghiệm kháng thể được thực hiện cùng với xét nghiệm virus khi bệnh nhân Covid-19 tìm kiếm sự chăm sóc y tế muộn. 

Xét nghiệm này cũng giúp xác nhận chẩn đoán Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, một tình trạng liên quan đến Covid-19.

Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm kháng thể Covid-19

Nếu bạn có kháng thể đối với virus SARS-CoV-2, liệu điều đó có nghĩa là bạn có khả năng miễn dịch chống lại bệnh Covid-19 trong tương lai không? 

Các chuyên gia vẫn chưa đưa ra câu trả lời chắc chắn, nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy kháng thể có thể cung cấp một số biện pháp bảo vệ.

Xét nghiệm kháng thể Covid-19 đóng vai trò quan trọng vì nó cung cấp thông tin cho biết tỷ lệ nhiễm bệnh trong dân số, cũng như tần suất nhiễm bệnh không có triệu chứng.

Các thông tin trên là chính xác ở thời điểm xuất bản và được tham khảo từ Health.com. Tuy nhiên, diễn biến của dịch Covid-19 có thể khiến một số dữ liệu thay đổi. Mong rằng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các phương pháp xét nghiệm Covid-19 hiện nay.

 
Các phương pháp xét nghiệm Covid-19 khác nhau như thế nào?
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận