Xét nghiệm CRP là xét nghiệm định lượng protein C phản ứng trong máu. Dựa vào chỉ số CRP để đánh giá tình trạng sức khỏe của mỗi người (bình thường hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm). Định lượng CRP được chỉ định để đánh giá theo dõi tình trạng các bệnh lý viêm, theo dõi lành vết thương, các vết mổ sau phẫu thuật, ghép tạng, phỏng để sớm phát hiện khả năng xảy ra nhiễm trùng.

1. Xét nghiệm CRP là gì?

CRP là chữ viết tắt của từ protein C reactive – một protein do gan sản xuất, có đặc điểm là kết tủa với polysaccharide C của phế cầu. Đây là thành phần không thể thiếu trong phản ứng của hệ miễn dịch đối với các tổn thương hay nhiễm trùng. Bình thường sẽ không xuất hiện protein này trong máu hoặc xuất hiện với nồng độ rất thấp, và khi xuất hiện tình trạng viêm cấp cùng với sự phá hủy mô trong cơ thể sẽ kích thích sự sản xuất protein này của gan và nồng độ protein C trong huyết thanh sẽ tăng nhanh, do đó CRP được biết đến là chất chỉ điểm cho phản ứng viêm trong cơ thể. Đây là một chất phản ứng ở giai đoạn cấp, được sản xuất ở gan và bài tiết vào máu vài giờ (khoảng 6 giờ) sau khi xuất hiện viêm nhiễm. Khi tình trạng viêm kết thúc, protein C phản ứng sẽ nhanh chóng mất đi.

Vì vậy, CRP cho phép xác định tình trạng viêm sớm hơn rất nhiều so với việc sử dụng tốc độ máu lắng. Đồng thời, trên thực tế hiện giá trị của CRP cũng hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nồng độ globulin máu và hematocrit, điều này khiến cho xét nghiệm CRP rất có giá trị khi người bệnh có các bất thường về protein máu hay có bất thường của hồng cầu. Tuy nhiên CRP không mang tính chất đặc hiệu và nồng độ protein này gia tăng trong tất cả các tình trạng viêm.

2. Chỉ số CRP bình thường là bao nhiêu?

Chỉ số CRP bình thường chỉ ở mức độ cho phép: dưới 0.5 mg/100ml (5 mg/l) huyết thanh với những người không có viêm nhiễm. Nồng độ CRP tăng cao trong máu gợi ý cơ thể xuất hiện tình trạng viêm nhiễm cấp. Nồng độ CRP trong máu giảm xuống có nghĩa là tình trạng bệnh nhân tốt hơn và tình trạng viêm nhiễm giảm.

3. Chỉ số CRP tăng liên quan đến những vấn đề tim mạch

Khi cơ thể bị viêm nhiễm hoặc tổn thương, nồng độ CRP lúc này có thể tăng lên đến rất nhiều lần (đến 1000 lần). Đối với các tình trạng bệnh lý khác nhau sẽ định lượng các loại Protein phản ứng C khác nhau:

  • Protein phản ứng C chuẩn (Standard CRP): sử dụng trong đánh giá các tình trạng viêm tiến triển.
  • Protein phản ứng C siêu nhạy (high-sensitivity CRP – hsCRP): được sử dụng như một chất chỉ điểm đối với tình trạng viêm mạch cấp độ thấp.

Hs CRP còn là yếu tố gây tăng mảng xơ vữa, gây tình trạng xuất hiện và đứt rách mảng vữa xơ mạch, tạo điều kiện xuất hiện huyết khối, tăng nguy cơ làm tắc/nghẽn động mạch vành (động mạch đưa máu nuôi tim), đột qụy, bệnh động mạch ngoại biên và đái tháo đường tuyp II. Tỷ lệ CRP trong máu giảm thường song song với sự giảm LDL – cholesterol (cholesterol xấu) trong huyết thanh. Nhóm bệnh nhân có LDL – cholesterol trong máu giảm xuống dưới 70mg/100ml ít bị tái phát bệnh tim, nếu CRP giảm dưới 2mg/l thì nguy cơ tái phát cơn nhồi máu cơ tim sẽ giảm. Do đó xét nghiệm định lượng hs CRP được sử dụng để đánh giá nguy cơ các bệnh lý tim mạch khi nó được kết hợp đồng thời với các xét nghiệm đánh giá nguy cơ mạch vành khác như LDL-Cholesterol và Cholesterol toàn phần.

Ngoài ra, CRP còn tăng trong các bệnh nhiễm trùng hoặc tự miễn khác. CRP thường tăng trong các phản ứng viêm nhiễm có tốc độ lắng máu tăng (Vs) và biến mất khi bệnh khỏi hoàn toàn.

Một vài nghiên cứu cho thấy ở những phụ nữ có nồng độ CRP cao trong máu, nguy cơ bị bệnh tim mạch tăng gấp 7 lần so với người có nồng độ CRP thấp. Ngoài ra, sự tích tụ của mảng xơ vữa trong mạch máu lâu ngày sẽ dẫn đến viêm nhiễm gia tăng, theo thời gian các mảng này bị vỡ ra và các cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu, gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

 

Chỉ số CRP tăng báo hiệu cơ thể bị viêm nhiễm hoặc tổn thương
 

Xem thêm: Xét nghiệm CRP thường được chỉ định khi nào?

Đối với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, CRP giúp phát hiện bệnh sớm trước khi những yếu tố nguy cơ biểu hiện, giúp đánh giá tình trạng của bệnh và quyết định cần can thiệp phẫu thuật hay không.

CRP được định lượng tính theo đơn vị mg/l máu. Kết quả cho thấy:

  • Nguy cơ tim mạch thấp: nếu CRP dưới 1 mg/l
  • Nguy cơ tim mạch vừa nếu CRP 1 – 3 mg/l
  • Nguy cơ tim mạch cao nếu CRP > 3mg/l

4. Chỉ số CRP tăng cao trong trường hợp nào?

Nếu chỉ số CRP tăng cao trên 10mg/l thì đây là hậu quả của một sự nhiễm trùng hay là một bệnh lý khác, lúc này chỉ số CRP không có giá trị trong việc đánh giá nguy cơ tim mạch mà chỉ phòng bệnh và bổ sung chẩn đoán. Trong những trường hợp đó, nên thử nghiệm lại sau 2 tuần hoặc sau khi đã hết tình nhiễm trùng để đánh giá lại nguy cơ tim mạch.

Khi đánh giá nhận định kết quả định lượng CRP, chỉ số CRP tăng cao cần nghĩ ngay đến một số các phản ứng viêm cấp như:

  • Viêm tụy cấp, chỉ số CRP là xét nghiệm để nhằm đánh giá mức độ nặng cũng như tiên lượng của viêm tụy cấp, CRP ≥150 mg/L là viêm tụy cấp nặng.
  • Viêm ruột thừa
  • Trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn
  • Bị bỏng
  • Tăng nguy cơ bị ung thư đại tràng
  • Bệnh lý ruột do viêm (như viêm loét đại tràng ..)
  • Viêm khớp dạng thấp có sự tiến triển
  • Bệnh lupus ban đỏ hệ thống
  • Nhồi máu cơ tim, bệnh lý viêm của tiểu khung chung (viêm phần phụ, áp xe vòi trứng ..)
  • Bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ và lao tiến triển.
  • Ung thư: bệnh Hodgkin, K thận, u lympho ..
  • Lượng CRP có thể tăng trong giai đoạn cuối của thai kỳ, khi dùng thuốc viên tránh thai hoặc liệu pháp hormon thay thế (ví dụ: estrogen). Lượng CRP còn có thể tăng ở những người béo phì.

5. Các yếu tố góp phần khả năng làm thay đổi kết quả xét nghiệm

  • Gây kết quả âm tính giả: do sử dụng các thuốc chống viêm không phải steroid, aspirin, corticosteroid, statin, thuốc chẹn beta giao cảm…
  • Gây kết quả dương tính giả: dùng các thuốc điều trị hormone thay thế, thuốc ngừa thai theo đường uống.
  • Đặt dụng cụ ngừa thai trong buồng tử cung.
  • Gắng sức thể lực quá mạnh.
  • Tình trạng sinh lý như có thai hoặc béo phì.

Xét nghiệm định lượng CRP đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán các bệnh lý viêm, theo dõi lành vết thương, phát hiện sớm yếu tố nguy cơ các bệnh lý tim mạch. Vì vậy, nếu có dấu hiệu viêm nhiễm hoặc có nguy cơ bệnh lý tim mạch, bệnh nhân nên sớm tìm đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện xét nghiệm nồng độ CRP và kết hợp với các phương pháp chẩn đoán khác.

 

Nguồn: vinmec.com (Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà – Bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh – Khoa Xét nghiệm – Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng)

Các chỉ số trong kết quả xét nghiệm CRP nói lên điều gì?
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận