Không chỉ trẻ nhỏ thường bị thiếu vi chất mà người lớn cũng có thể gặp tình trạng này. Xét nghiệm vi chất dinh dưỡng là phương pháp chẩn đoán chính xác, giúp chúng ta có kế hoạch chăm sóc sức khỏe hợp lý hơn.
Vi chất dinh dưỡng là gì?
Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ, nhưng có vai trò thiết yếu.
Vi chất bao gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E…), nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, phốt pho, sắt, kẽm, i-ốt, selen…).
Các vitamin và khoáng chất trên rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển toàn diện ở trẻ em, khả năng sinh sản và năng suất lao động của người lớn
Nguyên nhân gây thiếu vi chất dinh dưỡng là gì?
Người lớn và trẻ em có thể bị thiếu vi chất khi chế độ ăn uống hàng ngày không cung cấp đủ hàm lượng vi chất, hoặc do hệ tiêu hóa kém nên không hấp thụ được các vi chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác khiến trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng là:
- Người mẹ trong quá trình mang thai có chế độ ăn không đầy đủ dinh dưỡng, dẫn đến trẻ sinh non hoặc sinh ra bị nhẹ cân.
- Trẻ tăng trưởng nhanh sau khi sinh.
- Chế độ ăn dặm của trẻ nghèo nàn, không đa dạng các nhóm chất.
Để tìm ra giải pháp phòng ngừa hay điều trị thiếu vi chất một cách hiệu quả, các chuyên gia cần xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này.
>> Xem thêm: 3 loại vitamin và khoáng chất giúp bạn khỏe mạnh mùa dịch
Dấu hiệu nào cảnh báo thiếu vi chất dinh dưỡng?
Đối với trẻ em
- Biếng ăn, chậm tăng cân và kém phát triển chiều cao
- Ngủ không ngon, thường giật mình, khóc đêm, ra mồ hôi trộm
- Hay mệt mỏi và dễ ốm vặt như cảm, ho, viêm họng, tiêu chảy
- Da dẻ thường tái xanh
- Tóc yếu, dễ gãy rụng
Đối với người trưởng thành
- Dễ bị cảm cúm và các bệnh theo mùa
- Thường đau đầu, mệt mỏi, chuột rút
- Rụng tóc nhiều, bị gàu, vảy nến
- Môi khô nứt nẻ
- Da khô, nhợt nhạt, dễ nổi mụn và mẩn đỏ
- Xuất hiện những vết bầm tím trên da
- Ăn uống kém ngon miệng
- Hơi thở có mùi
- Thường xuyên gặp vấn đề sức khỏe về đường ruột như táo bón, chướng bụng
- Vết thương hở lâu lành
Thiếu vi chất dinh dưỡng có thể dẫn đến biến chứng gì?
Tại nước ta, tình trạng thiếu một số vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em 6-59 tháng tuổi vẫn còn khá phổ biến.
Thiếu bất kỳ loại vitamin và khoáng chất nào cũng dẫn tới nhiều hệ lụy cho sức khỏe, khiến chất lượng cuộc sống xấu đi. Chẳng hạn như:
Thiếu máu do thiếu sắt
Người lớn thiếu máu thiếu sắt sẽ không thể tập trung trong công việc, vì thế giảm năng suất lao động.
Phụ nữ mang thai bị thiếu máu sẽ làm cho bào thai suy dinh dưỡng. Từ đó, nguy cơ sinh non tăng lên và trẻ sinh ra có sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh.
Còn đối với trẻ em, thiếu máu thiếu sắt có dấu hiệu dễ nhận biết nhất là mệt mỏi. Trẻ cũng xanh xao, giảm khả năng tập trung và hay mắc bệnh về đường hô hấp.
Thiếu vitamin A
Trẻ em dễ mắc bệnh khô mắt, quáng gà nếu thiếu vitamin A, vì giác mạc không thể phát triển hoàn thiện.
Nghiêm trọng hơn, nếu không bổ sung kịp thời đủ nhu cầu vitamin A theo khuyến nghị, trẻ có nguy cơ bị mù, đồng thời gia tăng tỷ lệ thấp còi, nhiễm trùng và thậm chí tử vong.
Thiếu canxi và vitamin D
Trẻ nhỏ chậm phát triển chiều cao, người lớn bị loãng xương – Đó là những tác hại cho sức khỏe khi không hấp thụ đủ lượng canxi và vitamin D cần thiết cho cơ thể.
Thiếu i-ốt
Trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai là những đối tượng rất dễ bị thiếu i-ốt do nhu cầu dinh dưỡng tăng cao.
Thiếu i-ốt ở phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.
Nếu thiếu i-ốt nặng trong giai đoạn mang thai, trẻ sinh ra sẽ nhiều mắc dị tật bẩm sinh và đần độn.
Bên cạnh đó, thiếu i-ốt ở trẻ em sẽ dẫn đến chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng, học kém…
Nhìn chung, tình trạng thiếu i-ốt mang lại nhiều hậu quả xấu cho cả người lớn và trẻ em, như gây bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp.
Thiếu kẽm
Thiếu kẽm là nguyên nhân hàng đầu của chứng rụng tóc.
Tình trạng này cũng liên quan đến loét miệng và các vết thương lâu hồi phục.
Ngoài ra, người có nồng độ kẽm thấp dễ mắc bệnh tự miễn, xơ vữa động mạch, suy giảm thính giác, giảm chức năng sinh dục.
Ở trẻ em, thiếu kẽm có thể gây chứng biếng ăn, suy dinh dưỡng, thấp còi, chậm dậy thì.
Xác định thiếu vi chất bằng cách nào?
Cơ thể dễ bị thiếu hụt vitamin và khoáng chất nếu không có chế độ dinh dưỡng cân đối, khoa học.
Thiếu hụt vi chất trong thời gian dài để lại những hậu quả nặng nề cho cả trẻ em và người lớn.
Để xác định cơ thể thiếu vi chất dinh dưỡng nào với mức độ ra sao, cần xem xét triệu chứng và thực hiện xét nghiệm vi chất.
Đây là loại xét nghiệm quan trọng để đưa chẩn đoán cụ thể và điều trị các bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ đang mang thai, trẻ nhỏ và người cao tuổi đều có nguy cơ cao thiếu hụt vi chất.
Vậy nên, những đối tượng kể trên cần thường xuyên thăm khám, xét nghiệm vi chất nhằm kịp thời phát hiện sự thiếu hụt chất dinh dưỡng và bổ sung kịp thời.