Nhờ quy trình quản lý chất lượng xét nghiệm, độ chính xác của kết quả xét nghiệm được đảm bảo. Chính vì vậy, phòng xét nghiệm không thể bỏ qua khâu thiết lập hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm cho đơn vị mình.

Quy trình đảm bảo chất lượng xét nghiệm gồm ba giai đoạn: Trước, trong và sau xét nghiệm. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về từng giai đoạn ngay sau đây nhé!

Các quy trình trước xét nghiệm 

Quy trình quản lý đảm bảo chất lượng phòng xét nghiệm
Quy trình quản lý đảm bảo chất lượng phòng xét nghiệm – Ảnh: interstid – freepik

Quy trình quản lý trước xét nghiệm bao gồm tuần tự các công việc sau:

Bước đầu tiên: Chỉ định xét nghiệm

Căn cứ trên chẩn đoán tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ lâm sàng thường là người đưa ra chỉ định xét nghiệm. 

Trên thực tế, việc chỉ định tưởng chừng đơn giản, nhưng vẫn cần được quản lý cẩn thận, nhằm tránh dẫn tới kết quả sai lệch. 

Chỉ định xét nghiệm cần phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. Qua đó, bác sĩ mới có thể phát hiện và chẩn đoán đúng bệnh. 

Ngoài ra, chỉ định còn phải đúng thời điểm. Chẳng hạn, bệnh nhân đang thực hiện truyền dịch thì không thích hợp để chỉ định làm xét nghiệm công thức máu. Hoặc sau khi bệnh nhân đã ăn no thì không làm các xét nghiệm về đường máu, mỡ máu.

Bước thứ hai: Lấy mẫu

Mẫu bệnh phẩm có thể là mẫu máu, nước tiểu, huyết thanh, dịch tiết cơ thể,v.v.

Mỗi loại mẫu đều có quy định riêng về cách lấy như thế nào. Vì việc lấy mẫu sai cách sẽ không đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác. 

Ví dụ, khi lấy mẫu máu, nhân viên y tế phải lấy đủ số ml, dùng đúng loại chất chống đông, tránh làm mẫu bị vỡ hồng cầu…

>> Xem thêm: Lấy mẫu máu xét nghiệm sinh hóa

Bước thứ ba: Vận chuyển mẫu

Vận chuyển mẫu có thể được hiểu là đưa mẫu từ phòng lấy mẫu đến phòng xét nghiệm, hoặc từ phòng xét nghiệm này đến phòng xét nghiệm khác. 

Theo quy định, mẫu phải đảm bảo thành phần các chất không bị biến đổi so với lúc đầu. 

Để đảm bảo tính nguyên vẹn thì mẫu cần được chuyển đến phòng xét nghiệm trong thời gian sớm nhất. 

Khi chuyển mẫu, có thể dùng thêm chất bảo quản. Các mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản hết sức cẩn thận. Tránh làm vỡ ống mẫu, khiến mẫu bị tác động từ môi trường bên ngoài.

Bước thứ tư: Nhận mẫu

Quản lý chất lượng xét nghiệm
Quản lý chất lượng xét nghiệm – Ảnh: rawpixel.com – freepik

Phải có cán bộ chuyên trách khi nhận mẫu bệnh phẩm. 

Việc đánh giá xem mẫu có đủ số lượng và đạt chất lượng hay không, là cực kỳ cần thiết.

Thêm vào đó, người nhận mẫu còn phải kiểm tra liệu mẫu đã được bảo quản đúng cách và các thông tin đều trùng khớp? 

Lời đáp là “không” cho bất cứ tiêu chí nào nêu trên đồng nghĩa với việc mẫu không đạt, dễ đưa đến kết quả xét nghiệm sai. 

Lúc này, người nhận mẫu có quyền từ chối nhận mẫu, để đảm bảo đúng quy trình quản lý chất lượng trong xét nghiệm.

Bước cuối cùng: Xử lý mẫu

Đây là khâu diễn ra ngay sau khi nhận mẫu, cũng là khâu kết thúc quy trình quản lý trước xét nghiệm.

Cán bộ phòng xét nghiệm tiến hành xử lý mẫu sơ bộ bằng các phương pháp như ly tâm, rã đông,… Bước này vẫn yêu cầu mẫu được bảo quản tốt, tránh hư hại hoặc mất mát.

>> Xem thêm: 12 thành tố quản lý chất lượng xét nghiệm bạn cần biết

Các quy trình quản lý khi xét nghiệm 

Giai đoạn xét nghiệm tác động trực tiếp đến kết quả, gồm 2 quá trình: xét nghiệm và kiểm soát chất lượng. 

2 quá trình này luôn được thực hiện song song. Trong khi kỹ thuật viên dùng các thuốc thử với phương pháp đã xây dựng trên trang thiết bị xét nghiệm để cho ra kết quả, quá trình kiểm soát chất lượng cũng sẽ được tiến hành thường xuyên và liên tục, để đảm bảo tính chính xác của những kết quả ấy.

Về quá trình xét nghiệm

Đơn vị xét nghiệm phải xây dựng quy trình xét nghiệm được xác định giá trị sử dụng. Đồng thời, tuân thủ đúng quy trình đã xây dựng. 

Kỹ thuật viên xét nghiệm không chỉ phải được đào tạo đúng chuyên ngành, mà còn hiểu kỹ, nắm chắc và thực hiện thành thạo quy trình xét nghiệm. 

Cán bộ xét nghiệm tuyệt đối tuân thủ quy trình xét nghiệm của đơn vị mình, không tự ý thay đổi, thêm hoặc bớt các bước. 

Hơn nữa, lượng hóa chất, bệnh phẩm đã được quy định trong quy trình cũng không được thay đổi.

Quy trình quản lý đảm bảo chất lượng phòng xét nghiệm
Quy trình quản lý đảm bảo chất lượng phòng xét nghiệm – Ảnh: wirestock – freepik

Về quá trình kiểm soát chất lượng

Quá trình kiểm soát chất lượng thường được thực hiện bằng cách sử dụng mẫu kiểm tra chất lượng (QC). 

QC nhất thiết phải được thực hiện hàng ngày, kết quả mẫu QC không được vi phạm các quy tắc xét nghiệm. 

Nếu kết quả QC không phù hợp thì chưa được trả kết quả cho bệnh nhân.

Ngoài ra, những biện pháp kiểm tra chất lượng xét nghiệm khác là so sánh liên phòng (ngoại kiểm) hoặc so sánh với phòng xét nghiệm tham chiếu. 

Các quy trình quản lý sau xét nghiệm 

Sau xét nghiệm có 2 quá trình cần được quản lý là báo cáo kết quả và lưu giữ hồ sơ.

Đối với báo cáo kết quả

Kết quả báo cáo xét nghiệm phải đáp ứng tiêu chí rõ ràng và chính xác. 

Khi báo cáo, cần chú ý tới việc truyền dữ liệu từ kết quả của máy đến phiếu kết quả của bệnh nhân. 

Ngày nay, dù công nghệ 4.0 đã giúp tự động hóa việc truyền dữ liệu này, cũng như nâng cao tỷ lệ chuẩn xác, nhưng phòng xét nghiệm vẫn cần lập ra quy trình hướng dẫn truyền dữ liệu, để càng đảm bảo sao chép đúng kết quả xét nghiệm.

Đối với lưu giữ hồ sơ

Phòng xét nghiệm phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm
Phòng xét nghiệm phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm – Ảnh: freepik

Việc xây dựng một hệ thống lưu trữ hồ sơ, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân rất quan trọng.

Nhờ đó, phòng xét nghiệm có thể dễ dàng truy xuất, sử dụng thông tin trong tương lai. 

Để lưu hồ sơ, đơn vị xét nghiệm tùy chọn sử dụng hệ thống điện tử hoặc nhập liệu thủ công. 

Dù được quản lý trên hệ thống nào, dữ liệu cũng phải vừa được bảo mật nghiêm ngặt, vừa dễ dàng truy xuất khi cần. 

Không chỉ vậy, phòng xét nghiệm cần có phương án dự phòng nhằm vẫn có thể truy xuất được thông tin nếu có sự cố. 

Và đó là lý do để các phòng xét nghiệm áp dụng cả 2 phương pháp lưu hồ sơ theo cách truyền thống và theo công nghệ hiện đại.

TPH sẽ rất vui khi nhận được phản hồi của quý độc giả qua phần bình luận, sau khi đọc bài “Quy trình quản lý đảm bảo chất lượng xét nghiệm” này!

Quy trình quản lý đảm bảo chất lượng xét nghiệm
Đăng ký
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
trackback

[…] >> Xem thêm: Quy trình quản lý đảm bảo chất lượng xé… […]