Khi lấy mẫu máu xét nghiệm sinh hóa, sai sót trong kỹ thuật lấy bệnh phẩm có thể dẫn đến kết quả thiếu chính xác. Vì thế, chúng ta cần chú ý một số vấn đề sau khi lấy bệnh phẩm để xét nghiệm sinh hoá máu.

Thời điểm lấy máu

lấy mẫu máu xét nghiệm sinh hóa
Lấy máu xét nghiệm sinh hóa – Ảnh: Hush Naidoo – Unsplash

Thời điểm lấy mẫu máu tốt nhất trong các xét nghiệm hóa sinh là buổi sáng, sau khi nhịn ăn qua đêm. 

Đối với xét nghiệm Triglycerid, Cholesterol, Fe, nhịn ăn ít nhất 12 giờ là điều bắt buộc. 

Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ điều trị sẽ chỉ định thời điểm lấy máu khác.

Cần lưu ý là do có sự thay đổi nhịp sinh học theo thời gian, nồng độ một số chất trong máu có thể thay đổi.

Đặc biệt, một số xét nghiệm như ACTH, Cortisol, Renin, thời điểm cần lấy máu là trước 10 giờ sáng.

Các xét nghiệm định lượng thuốc như Tacrolimus, Everolimus, Amikacin, Vancomycin, Methotrexat yêu cầu tuân thủ đúng thời điểm lấy máu, thường là thời điểm T0 (nghĩa là ngay trước khi dùng liều thuốc tiếp theo).

Ngoài ra, từ 24 – 48 giờ trước khi lấy máu, cần ngừng tất cả các hình thức luyện tập.

Vị trí lấy máu xét nghiệm sinh hóa 

Máu xét nghiệm sinh hóa có thể được lấy ở tĩnh mạch và mao mạch. 

Một số xét nghiệm đặc biệt, chẳng hạn như xét nghiệm khí máu động mạch thì cần lấy máu động mạch. 

Do thay đổi chuyển hóa hoặc do sự phân bố khác nhau giữa các vị trí trên cơ thể, một số chất trong máu có thể thay đổi. Chẳng hạn như máu động mạch có nồng độ oxy, nồng độ glucose cao hơn so với máu tĩnh mạch. Máu mao mạch có nồng độ protein cao hơn máu tĩnh mạch,…

Thời gian buộc garô

Garô cần được cởi ngay sau khi kim đã vào tĩnh mạch. Nguyên do là chuyển hóa yếm khí làm tăng phân hủy glucose, giảm pH máu cũng như tích tụ lactate. 

Nếu buộc garô quá chặt trong thời gian dài, hiện tượng thiếu máu cục bộ làm giải phóng kali từ trong tế bào, dẫn đến tăng kali máu giả. Ngoài ra, nồng độ ion Ca++ và Mg++ ở máu cũng tăng lên trong thời gian buộc garô.

Tư thế của bệnh nhân khi lấy máu 

lấy mẫu máu xét nghiệm sinh hóa
Lấy máu xét nghiệm sinh hóa – Ảnh: RichardsDrawings – pixabay

Trước khi lấy máu để xét nghiệm sinh hóa, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, không vận động mạnh khoảng 10 phút. 

Thêm vào đó, bệnh nhân khi lấy máu ở các tư thế khác nhau (nằm hay đứng) cũng có thể gây thay đổi nồng độ một số chất trong máu. 

Ví dụ khi bệnh nhân thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi, nồng độ của một số chất trong máu thay đổi như sau: Kali tăng 3%, Urê giảm 3%, Canxi tăng 4%, Creatinin tăng 5%, Protein tăng 10%, AST và ALT đều tăng 15%, đặc biệt Cholesterol tăng đến 18%.

Lựa chọn ống xét nghiệm

Có nhiều loại ống dùng để xét nghiệm sinh hóa: Ống không chất chống đông hay có chất chống đông: EDTA- K3 hoặc K2, Natri Citrate 3.2%, Heparin, NaF… Tùy từng loại xét nghiệm mà nhân viên y tế lựa chọn loại ống phù hợp.

Sau khi lấy máu, đậy nắp ống và đảo ngược ống xét nghiệm nhẹ nhàng 5-10 lần. Riêng với ống không chống đông thì không được lắc ống.

Chất chống đông

Lithium heparin thường được dùng để chống đông trong việc lấy huyết tương, không làm thay đổi trị số của protein toàn phần và điện giải. 

Heparin nước có thể gây sai số do pha loãng mẫu máu. Khắc phục điều này bằng cách sử dụng heparin đông khô trong bơm tiêm.

EDTA thường được dùng làm chất chống đông máu trong xét nghiệm huyết học, nhưng không được dùng để lấy máu làm xét nghiệm định lượng kali và canxi.

Lưu giữ máu 

lấy mẫu máu xét nghiệm sinh hóa
Nguyên tắc lấy máu xét nghiệm sinh hóa – Ảnh: Belova59 – pixabay

Khoảng thời gian lưu giữ từ khi lấy tới khi xét nghiệm máu có ảnh hưởng tới nồng độ một số chất của máu. 

Ví dụ, nếu lưu giữ mẫu máu để đo khí máu ở nhiệt độ phòng, sẽ làm giảm đáng kể pH, CO2 và PO2. 

Với xét nghiệm đường huyết, glucose nếu không tách huyết tương hoặc huyết thanh ngay sau khi lấy máu sẽ bị giảm nồng độ khoảng 7%. 

Nếu chưa gửi ngay mẫu máu đến phòng xét nghiệm, cần lưu giữ máu trong tủ lạnh (ở nhiệt độ từ 0-4 độ C) nhằm làm chậm quá trình giảm chất lượng mẫu máu.

Sự tan huyết 

Mẫu máu bị tan huyết do sai sót lấy máu, sẽ làm tăng các thành phần kali, phosphate… trong huyết tương và làm tăng hemoglobin gây nhiễu trong một vài phương pháp xét nghiệm.

Tiêm truyền 

Nồng độ glucose máu có thể tăng cao nếu máu được lấy ở bên tay đang được truyền glucose. Vì vậy, luôn lấy máu xét nghiệm sinh hóa ở tay khác với tay được truyền glucose. 

Bài viết được tham khảo từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Nếu bạn có nhu cầu nhận tư vấn miễn phí về giải pháp LIS cho phòng xét nghiệm, vui lòng liên hệ qua Hotline 028 730 928 68

Lấy mẫu máu xét nghiệm sinh hóa cần lưu ý những gì?
Đăng ký
Thông báo về
guest
2 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
trackback

[…] >> Xem thêm: Lấy mẫu máu xét nghiệm sinh hóa […]

trackback

[…] >> Xem thêm: Lấy mẫu máu xét nghiệm sinh hóa cần lưu ý n… […]