Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho ngành dược.

PGS-TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp dược học, đã khuyến cáo các doanh nghiệp ý thức chuẩn bị cho xu thế Pharma 4.0 (công nghiệp dược trong cách mạng công nghiệp 4.0). 

Trong khuôn khổ bài viết này của TPH, chúng ta hãy tìm hiểu về việc các doanh nghiệp dược sẽ thay đổi như thế nào để hội nhập trong thời đại mới.

Số hóa quá trình sản xuất dược phẩm

Ngành dược thời công nghệ 4.0
Số hóa sản xuất dược phẩm dựa trên đánh giá và kiểm soát liên tục thông số – Ảnh: diloka107 – freepik

Theo truyền thống, quá trình sản xuất dược phẩm dựa trên những thông số cố định. 

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của công nghệ mới, quá trình ấy sẽ dựa trên đánh giá và kiểm soát liên tục các thông số. Trong đó, thông số được điều chỉnh tự động bằng cơ sở dữ liệu và thông tin kết nối từ các hệ thống của toàn bộ quá trình. 

Không bao lâu nữa, công nghệ phân tích quy trình (process analysis technology, viết tắt: PAT) sẽ trở thành hiện thực trong các nhà máy dược phẩm hiện đại. 

Trong hàng chục năm qua, PAT đã được thảo luận rất nhiều và thử nghiệm ở quy mô pilot trong các tập đoàn và công ty dược phẩm tiên phong, nhưng chưa từng được áp dụng rộng rãi ở quy mô lớn. 

Số lượng lớn các thiết bị thông minh sẽ được “nhúng” (embedded) vào các quá trình và công nghệ sản xuất dược phẩm. Mục tiêu của quá trình kết nối thiết bị này là để thu thập dữ liệu “ngay và luôn”. 

“Nhà máy dược phẩm thông minh” sẽ không còn sản xuất dược phẩm theo lô. Thay vào đó, một quá trình sản xuất liên tục được thực hiện bởi các thiết bị, công cụ tân tiến có khả năng giao tiếp với nhau, cũng như khả năng giao tiếp với con người.

Xử lý dữ liệu thông minh

Ngành dược thời công nghệ 4.0
Mô hình điện toán đám mây được hỗ trợ bởi công nghệ blockchain sẽ giúp ngành dược đổi mới – Ảnh: user13883487 – freepik

Khối lượng dữ liệu khổng lồ kiểu truyền thống (được in trên giấy hoặc ghi chép tay trong sổ sách) sẽ được số hóa.

Terabyte (tương đương 1000 gigabyte) dữ liệu điện tử liên quan đến việc sản xuất và kinh doanh dược phẩm trong các nhà máy, công ty sẽ được lưu trữ thay thế các kho lưu trữ văn bản dữ liệu. 

Thêm vào đó, mô hình điện toán đám mây được hỗ trợ bởi công nghệ blockchain sẽ giúp ích không nhỏ cho ngành dược thời công nghệ 4.0.

Chúng đóng vai trò hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh dược phẩm phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối dữ liệu liên kết với nhau. Trong đó, các hoạt động của hệ thống sẽ được ghi lại theo thời gian thực. 

Các dữ liệu sẽ được liên kết với các phân tích và thông tin của người sử dụng cuối cùng (end user) để xử lý. Việc này cho phép sản xuất ra các loại dược phẩm chất lượng tốt hơn với hiệu quả cao hơn.

Xem thêm: Chăm sóc sức khỏe thời cách mạng công nghiệp 4.0

Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo để phát triển thuốc mới

ngành dược thời công nghệ 4.0
Trí tuệ nhân tạo giúp phát triển thuốc mới nhanh hơn, tiết kiệm hơn – Ảnh: Tumisu – pixabay

Quá trình nghiên cứu và phát triển thuốc mới tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Các công ty dược sử dụng công nghệ AI tân tiến sẽ giành lợi thế cạnh tranh, dù quá trình thực hiện không hề đơn giản.

Dữ liệu là yếu tố sống còn khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI Application). Với dữ liệu đầu vào đạt chất lượng, kết quả đầu ra sẽ đảm bảo tỷ lệ thành công cao.

Vì thế, dữ liệu cần được cập nhật, thu thập liên tục theo định kỳ, hoặc lấy từ RWE (real world evidence). 

Tăng cường nguồn dữ liệu và nghiên cứu ứng dụng AI giúp cải thiện việc tạo ra giả thuyết, đề xuất những loại thuốc mục tiêu, cơ chế chuyển hoá của thuốc và thành phần nào có hiệu quả điều trị. 

Nhờ đó, quy trình phát triển thuốc mới có thể được rút ngắn công đoạn và giảm bớt thời gian.

Ngành dược Việt Nam trong thời đại 4.0

ngành dược thời công nghệ 4.0
Ở nước ta, ngành dược thời công nghệ 4.0 đã thay đổi như thế nào? – Ảnh: Matvevna – pixabay

Ở nước ta, các công ty dược đã từng bước hiện đại hóa, cũng như tiếp cận với những thành tựu công nghệ mới.

Tuy nhiên, vẫn có gần 200 nhà máy dược chưa hoàn thiện việc số hóa cho quá trình sản xuất. Nhiều doanh nghiệp vẫn đầu tư các thiết bị riêng lẻ để lắp ghép thành dây chuyền sản xuất.

Vấn đề này cản trở quá trình điện toán hóa/số hóa. Nếu xảy ra sự cố, việc khắc phục rất tốn kém, khó khăn và mất thời gian. 

Ngoài ra, các công ty dược còn phải đối mặt nhiều thách thức đặc thù của ngành, tiêu biểu là việc đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc như: GMP – GLP – GSP – GDP – GPP, US FDA 21 CFR, GAMP5,… 

Theo Ông Nguyễn Công Tẩn – Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Citek, doanh nghiệp cần đảm bảo chiến lược kinh doanh song hành với chiến lược công nghệ. Mỗi doanh nghiệp nên lựa chọn đầu tư công nghệ phù hợp năng lực của mình, nhằm tiết kiệm ngân sách, thời gian và đạt hiệu quả tốt.

Thay cho lời kết

Tất cả các công nghệ hiện đại này đòi hỏi các nhà quản lý và các doanh nghiệp dược phải thay đổi suy nghĩ về các khái niệm như “lưu trữ dữ liệu”, “đảm bảo toàn vẹn dữ liệu”, “bảo mật dữ liệu”. 

Trước tác động to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp dược cần cơ chế quản lý mới cùng tinh thần cầu tiến, dám dấn thân. 

Khi chấp nhận đổi mới, doanh nghiệp dược sẽ có đòn bẩy tăng trưởng. Qua đó, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tốt hơn.

Ngành dược thời công nghệ 4.0
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận