Rượu không chỉ làm chúng ta say, mà còn âm thần tàn phá nội tạng trong cơ thể chúng ta.
Nội tạng bị tàn phá vì rượu đến mức nào? Mời bạn cùng TPH theo dõi bài viết này, để biết vì sao chúng ta nên tránh lạm dụng rượu nhé!
Rượu gây hại cho tim
Nghiên cứu khoa học chứng minh, người tiêu thụ trên 90g rượu mỗi ngày (tương đương với 5 -6 lon bia, hoặc 150ml rượu vang 12 độ hoặc 44 ml rượu mạnh 40 độ) trong hơn 5 năm có nguy cơ mắc bệnh cơ tim giãn không triệu chứng.
Uống quá nhiều rượu làm yếu dần sức mạnh cơ tim và tăng khối lượng cơ tim. Trái tim của người nghiện rượu to gấp hai lần tim người bình thường, nhưng lưu lượng máu vận chuyển đến các bộ phận cơ thể không đều, hệ tim mạch bị tổn thương.
Hơn nữa, hấp thụ quá nhiều rượu còn làm cho các tiểu cầu trong máu có khuynh hướng tạo thành cục máu đông.
Vì thế, người nghiện rượu thường đau đầu, mệt mỏi, khó thở và sưng mắt cá. Nguy cơ tăng huyết áp, đột quỵ, đau tim cũng gia tăng gấp nhiều lần so với người bình thường.
Rượu làm hỏng dạ dày
Dạ dày là một trong những cơ quan bị tổn thương nặng nề nhất do rượu.
Rượu vào cơ thể sẽ được hấp thụ 20% tại dạ dày, 80% còn lại ở các cơ quan khác. Rượu khiến dạ dày tăng tiết axit quá mức, kéo theo tình trạng khó tiêu, đầy hơi, mòn niêm mạc dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày.
Tiếp đó, rượu di chuyển đến ruột non và ruột già, gây kích thích hai khu vực này, làm gián đoạn hệ thống tiêu hóa, ngăn cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng.
Rượu tàn phá gan
Mỗi năm tại Hoa Kỳ, khoảng 2 triệu người nghiện rượu bị mắc bệnh gan.
Tại nước ta, 90% người dùng rượu thường xuyên bị gan nhiễm mỡ.
Rượu chuyển hóa tại gan, tạo thành nhiều hạt mỡ choán chỗ tế bào gan bình thường. Quá trình tích lũy mỡ ở gan lâu dần dẫn tới bệnh gan nhiễm mỡ. Bệnh nhân thường không có triệu chứng gì mà chỉ tình cờ phát hiện bệnh khi được siêu âm bụng, xét nghiệm máu.
Không dừng lại ở đó, rượu cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm gan, xơ gan, ung thư gan.
Rượu làm hỏng tuyến tụy
Tuyến tụy có chức năng tạo ra insulin. Dưới tác động của rượu, tuyến tụy bị suy giảm chức năng dẫn đến bệnh tiểu đường.
Thêm nữa, uống quá nhiều rượu khiến các ống nhỏ dẫn lưu dịch trong tuyến tụy bị thu hẹp, tắc nghẽn, dẫn đến viêm tụy cấp.
Rượu hủy hoại thận
Tổ chức Thận Anh quốc khẳng định, uống quá nhiều rượu làm nguy cơ mắc bệnh thận tăng lên gấp đôi.
Rượu gây lợi tiểu khiến cơ thể bạn nhanh chóng bị mất nước. Đồng thời, thận sẽ không thể thực hiện chức năng điều chỉnh dòng chảy của chất lỏng cơ thể như bình thường.
Khi đó, các khoáng chất quan trọng như magie, canxi bị mất qua nước tiểu hoặc nôn mửa, trong khi cồn không được lọc khỏi máu. Người uống rượu nhiều sẽ bị co giật, nhịp tim không đều, mất cân bằng điện giải.
Điều nguy hiểm là chỉ cần một lần quá chén cũng có thể gây suy thận cấp. Chức năng thận có thể phục hồi nếu được chữa trị kịp thời, nhưng cũng có thể để lại tổn thương mãi mãi.
Rượu gây ảnh hưởng xấu tới não
Lạm dụng rượu có liên quan đến sự suy giảm sức khỏe tâm thần.
Rượu làm chậm việc truyền thông tin giữa các chất dẫn truyền thần kinh. Đặc biệt, ethanol có trong rượu rất nguy hại cho nhiều bộ phận của não.
Về lâu dài, việc ức chế các chất dẫn truyền thần kinh não có thể dẫn đến những thay đổi trong hành vi và tâm trạng.
Người nghiện rượu dễ bị mất kiểm soát hành vi, giảm khả năng phán quyết và gặp ảo giác.
Làm thế nào để phòng tránh các tác hại do rượu?
Bản thân rượu không xấu, nhưng việc sử dụng rượu đem lại lợi ích hay tác hại là do người dùng.
Nhằm phòng tránh những căn bệnh do rượu gây ra, việc đầu tiên người nghiện rượu cần làm là phải giảm dần lượng rượu uống trong tuần. Phụ nữ mang thai nên kiêng rượu hoàn toàn.
Kế đến, chúng ta cần có chế độ ăn uống phù hợp, để bổ sung vitamin và khoáng chất. Các loại thực phẩm, thuốc có hại cho gan cần được hạn chế sử dụng.
Không nên pha rượu với bia và các loại chất kích thích khác. Bởi hỗn hợp này rất dễ khiến người dùng bị ngộ độc cấp, thậm chí tử vong vì nồng độ cồn trong máu quá cao.
Tạm kết
Theo ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, không có ngưỡng an toàn cho con người khi sử dụng rượu bia. Bởi nguy cơ do uống rượu là khác nhau ở từng cá nhân, phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi, cơ địa cũng như hoàn cảnh và cách thức uống.
Khi sử dụng ở mức vừa phải, rượu sẽ mang lại một vài lợi ích cho cơ thể, chẳng hạn như kích thích tiêu hóa giúp ăn ngon miệng, làm tăng HDL cholesterol tốt cho thành mạch máu, giúp tinh thần phấn chấn hơn,… Ngược lại, lạm dụng rượu sẽ gây hậu quả bất lợi cho sức khỏe của cá nhân người uống, cũng như ảnh hưởng những người xung quanh.
Mong rằng qua bài viết này, bạn đã biết vì sao chúng ta nên hạn chế uống thức uống có cồn, cũng như biện pháp tránh cho nội tạng bị tàn phá vì rượu.