Xét nghiệm Covid-19 giúp phát hiện tác nhân gây bệnh nếu có, để cách ly kịp thời và sớm chặn đứng nguồn lây nhiễm.

Công tác sàng lọc bằng các xét nghiệm là hết sức cần thiết, nhất là trong đợt bùng phát dịch phức tạp hiện nay.

Thông qua bài viết này, TPH mong muốn chia sẻ cùng bạn những kiến thức cơ bản về xét nghiệm Covid-19. Mời các bạn đọc tiếp nhé!

Các loại xét nghiệm Covid-19

Hiện nay, có hai phương pháp xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (Covid-19) là xét nghiệm chẩn đoán (virus) và xét nghiệm kháng thể.

Xét nghiệm chẩn đoán

xét nghiệm Covid-19
Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 – Ảnh: vichie81 – freepik

Phương pháp xét nghiệm chẩn đoán bao gồm xét nghiệm phân tử (tên khác là xét nghiệm RT-PCR) và xét nghiệm kháng nguyên. 

Các xét nghiệm này cho biết liệu bạn có bị nhiễm Covid-19 đang hoạt động. Từ đó, bạn sẽ biết có cần tự cách ly hay không.

Mẫu xét nghiệm chẩn đoán là dịch mũi họng hoặc mẫu nước bọt, được đựng trong ống nghiệm.

Xét nghiệm kháng thể

xét nghiệm Covid-19
Xét nghiệm kháng thể là phương pháp xét nghiệm Covid-19 hiện đại – Ảnh: freepik

Khác với xét nghiệm chẩn đoán, xét nghiệm kháng thể không phải để chỉ ra cá nhân đó có đang bị nhiễm Covid-19 hay không.

Bằng việc cho thấy hệ miễn dịch đã tạo kháng thể chống lại SARS-CoV-2, xét nghiệm kháng thể chứng minh tình trạng nhiễm bệnh trước đây. 

Các kháng thể có thể mất từ vài ngày đến vài tuần để phát triển sau khi bạn bị nhiễm virus. Và kháng thể sẽ tồn tại trong máu vài tuần hoặc hơn sau khi người bệnh hồi phục. 

Mẫu xét nghiệm kháng thể thường là máu lấy bằng dụng cụ lấy máu đầu ngón tay hoặc rút máu.

Đối tượng cần được xét nghiệm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19

xét nghiệm Covid-19
Những ai có dấu hiệu sốt, ho, đau rát họng,… cần được xét nghiệm Covid-19 – Ảnh: freepik

Bạn cần thực hiện xét nghiệm bệnh Covid-19 khi có ít nhất một trong số các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra, kèm theo một trong số các yếu tố dịch tễ dưới đây:

  • Từng tiếp xúc gần (trong phạm vi 2 mét) với người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19, bao gồm: người sống cùng nhà, làm việc cùng phòng, ngồi cùng hàng và trước sau 2 hàng ghế trên phương tiện giao thông,…
  • Trở về từ “vùng dịch” được WHO ghi nhận có ca nhiễm Covid-19 trong vòng 14 ngày kể từ khi nhập cảnh (cách ly tập trung).
  • Trở về từ những điểm đang “nóng” về dịch Covid-19 tại Việt Nam trong vòng 14 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng.
  • Bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị.
  • Khi được bác sĩ/ cán bộ điều tra dịch tễ/ cơ quan y tế chỉ định làm xét nghiệm.

Sau khi được xét nghiệm, bạn vẫn nên tự cách ly tại nhà cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm. Hãy nghe theo lời khuyên của chuyên gia y tế hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm Covid-19

xét nghiệm Covid-19
Kết quả xét nghiệm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona – Ảnh: user9023173 – freepik

Đối với các xét nghiệm chẩn đoán, kết quả âm tính nghĩa là xét nghiệm không phát hiện ra virus SARS-CoV-2 ở thời điểm tiến hành xét nghiệm.

Ngược lại, kết quả dương tính nghĩa là xét nghiệm đã phát hiện virus SARS-CoV-2 trong cơ thể. Và bạn rất có thể đang mắc Covid-19. 

Dù có kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính, bạn được khuyến nghị thực hiện tiếp xét nghiệm RT-PCR, nhằm đảm bảo không bỏ sót tình trạng nhiễm bệnh.

Xét nghiệm RT-PCR thường mang lại kết quả cực kỳ chính xác. Tuy nhiên, kết quả âm tính có thể là vì xét nghiệm RT-PCR được tiến hành quá sớm.

Đối với xét nghiệm kháng thể, kết quả âm tính nghĩa là không phát hiện kháng thể Covid-19. Suy ra, bạn rất có khả năng chưa bao giờ mắc bệnh này.

Những lưu ý sau khi xét nghiệm Covid-19 âm tính   

xét nghiệm Covid-19
Vẫn thực hiện các biện pháp phòng ngừa Covid-19 dù bạn có kết quả xét nghiệm âm tính – Ảnh: freepik

Chúng ta cần nhớ rằng không có xét nghiệm nào, kể cả loại tiên tiến nhất, là hoàn hảo. 

Khả năng xét nghiệm chẩn đoán cho ra một kết quả sai không phải là không có. 

Mặt khác, theo Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA), các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể cho ra kết quả âm tính giả trong xét nghiệm.

Lúc đó, âm tính giả có nghĩa là xét nghiệm cho biết bạn không nhiễm Covid-19 nhưng thực tế, bạn đã bị nhiễm bệnh. Còn dương tính giả nghĩa là xét nghiệm cho biết bạn nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng bạn không mắc bệnh.

Vì vậy, ngay cả khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19, bạn vẫn nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Chẳng hạn như giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang ở nơi công cộng, để giảm nguy cơ lây lan Covid-19.

Bài viết được tham khảo từ website của FDA. Mong rằng nội dung trên đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về xét nghiệm Covid-19.

Xét nghiệm Covid-19: Một số kiến thức cơ bản
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận