Xét nghiệm sinh thiết có độ chính xác cao và rất phổ biến trong chẩn đoán bệnh ung thư. Sau đây, mời các bạn cùng TPH tìm hiểu sâu hơn về thủ thuật y khoa này nhé!

Xét nghiệm sinh thiết là gì?

Xét nghiệm sinh thiết: Những thông tin cần biết
Sinh thiết là gì? – Ảnh: anyaivanova – freepik

Sinh thiết được dùng để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh K, nhiễm trùng hoặc các vấn đề sức khỏe khác. 

Trong thủ thuật này, bác sĩ lấy một mẫu mô hoặc tế bào, từ bất cứ bộ phận nào như da, nội tạng hay các cấu trúc bên trong cơ thể. 

Mẫu sinh thiết sau đó được gửi đến phòng xét nghiệm để quan sát dưới kính hiển vi và cũng có thể được phân tích hóa học. 

Mục đích của việc này là đánh giá, phát hiện các tế bào ung thư hoặc thay đổi bất thường (như khối u, sưng,…) trong cấu trúc của mẫu sinh thiết.

Trong khi các loại xét nghiệm hình ảnh bao gồm chụp CT và X-quang chỉ giúp xác định những khu vực cần kiểm tra, thì sinh thiết sẽ giúp phân biệt các tế bào thông thường và tế bào ung thư một cách rõ ràng hơn.

Dù sinh thiết thường liên quan đến ung thư, nhưng nếu bị yêu cầu xét nghiệm thì không có nghĩa là bạn đã mắc bệnh này. Các bác sĩ sử dụng thủ thuật này nhằm kiểm tra liệu những bất thường trong cơ thể là do ung thư hay do nguyên nhân khác.

Ngoài ra, nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng liên quan đến ung thư, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện sinh thiết để kiểm tra, sau khi xác định được khu vực nghi ngờ thông qua những hình thức xét nghiệm thông thường.

Các phương pháp sinh thiết thường dùng

Bác sĩ sẽ chọn phương pháp sinh thiết dựa trên tình trạng và khu vực nghi ngờ trên cơ thể.

Có nhiều dạng thủ thuật sinh thiết và dù loại nào thì bạn cũng được gây tê cục bộ để giảm đau ở khu vực được sinh thiết. 

Sinh thiết tủy xương

Nơi sản xuất ra các tế bào máu bên trong một số xương lớn (xương đùi, xương hông) là tủy xương – một vật liệu xốp. 

Do đó, sinh thiết tủy xương được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh gặp vấn đề về máu.

Đây là loại xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán tình trạng có hoặc không mắc ung thư, nhiễm trùng, thiếu máu, hoặc tình trạng của tế bào ung thư đã di căn tới xương hay chưa.

Sinh thiết nội soi

Xét nghiệm sinh thiết: Những thông tin cần biết
Xét nghiệm sinh thiết nội soi – Ảnh: medicalnewstoday.com

Sinh thiết nội soi tạo điều kiện để bác sĩ tiếp cận mô bên trong cơ thể, nhằm thu thập các mẫu từ các cơ quan như bàng quang, đại tràng, phổi…

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi mỏng, dài, linh hoạt, có đèn và camera nhỏ. 

Ống nội soi được đưa qua đường miệng, trực tràng, đường tiết niệu hoặc qua một vết mổ nhỏ trên da.

Nhờ màn hình video thể hiện hình ảnh nội soi, bác sĩ có thể thu thập mẫu dễ dàng hơn. 

Toàn bộ quá trình thường mất từ 5-20 phút và tùy thuộc vào loại sinh thiết nội soi, bác sĩ có thể cho bạn thuốc an thần hoặc gây mê trước khi bắt đầu thủ thuật.

Sau khi thực hiện sinh thiết nội soi, bạn có thể cảm thấy hơi khó chịu, đầy hơi hoặc đau họng.

>> Xem thêm: Ung thư bàng quang là gì và được chẩn đoán như thế nào?

Sinh thiết kim

Xét nghiệm này thường được khuyến nghị để kiểm tra các mô từ vú, hạch bạch huyết, tuyến giáp hoặc tinh hoàn.

Bác sĩ sẽ làm sạch và gây tê khu vực có vấn đề cần sinh thiết, sau đó kết hợp với quy trình chẩn đoán hình ảnh để hướng kim tới vị trí có thể hút mô ra. 

Phương pháp sinh thiết kim thường không mất quá 1 tiếng đồng hồ và được chia thành các loại như sau:

Kim lõi

Xét nghiệm này dùng kim với kích cỡ trung bình hoặc lớn để tiếp cận lõi mô trung tâm, ví dụ như lấy mô từ lõi trung tâm khối u trong gan, vú…

Kim nhỏ

Thủ thuật này sử dụng kim nhỏ để rút chất lỏng và tế bào, dùng trong trường hợp bướu cổ, khối u sờ thấy được.

Tựa trục

Xét nghiệm này được thực hiện cho những khu vực không sờ thấy được nhưng có thể quan sát thấy qua hình chụp X-quang hoặc CT, cho phép bác sĩ tiếp cận các khu vực như phổi, gan hoặc các cơ quan khác.

Hỗ trợ chân không

Loại xét nghiệm này được thiết bị hút chân không hỗ trợ, giúp các tổn thương hay vết mổ không bị sẹo to, ít đau và thường áp dụng trong xét nghiệm vú.

Sinh thiết da

Xét nghiệm sinh thiết: Những thông tin cần biết
Xét nghiệm sinh thiết da – Ảnh: chennaiskinhairclinic.com

Sinh thiết da là xét nghiệm được chỉ định khi bạn có các dấu hiệu về tổn thương da, phát ban hay nghi ngờ về một trạng thái không đáp ứng với phác đồ điều trị. 

Tùy thuộc vào loại ung thư nghi ngờ và mức độ nghiêm trọng của các tế bào ung thư, bác sĩ sẽ tiến hành một trong hai loại sinh thiết da sau:

Sinh thiết bấm 

Bác sĩ dùng một dụng cụ đặc biệt để bấm lấy một mẫu sinh thiết nhỏ trên da. 

Bạn có thể được tiêm thuốc tê tại chỗ hoặc bôi kem gây tê trước khi được lấy mẫu da cần sinh thiết. 

Sau đó, khu vực được sinh thiết bấm sẽ được khâu lại bằng 1 mũi khâu hoặc để vết thương tự lành.

Sinh thiết cắt bỏ 

Đối với xét nghiệm này, bác sĩ cắt bỏ hoàn toàn nơi bị tổn thương để gửi mẫu sinh thiết cho các bác sĩ chuyên nghiên cứu bệnh học. 

Nếu kết quả chỉ ra rằng rìa tổn thương không còn tế bào ung thư, điều này có nghĩa là khối ung thư đã được cắt bỏ hoàn toàn. 

Có thể nói, sinh thiết cắt bỏ đồng thời có cả tác dụng chẩn đoán lẫn tác dụng điều trị bệnh.

Sinh thiết phẫu thuật

Trong trường hợp bệnh nhân xuất hiện các vùng bất thường cần sinh thiết, nhưng các phương pháp sinh thiết nêu trên không thể đáp ứng, hoặc không đảm bảo an toàn và độ hiệu quả cao cho việc chẩn đoán, thì bệnh nhân sẽ được chỉ định sinh thiết phẫu thuật. 

Sinh thiết phẫu thuật có thể được sử dụng để loại bỏ một phần khu vực các tế bào bất thường (sinh thiết vết mổ), hoặc loại bỏ toàn bộ khu vực của các tế bào bất thường (sinh thiết cắt bỏ).

Quy trình thực hiện xét nghiệm sinh thiết

Trước khi sinh thiết

Xét nghiệm sinh thiết: Những thông tin cần biết
Trước khi làm sinh thiết, bạn cần thông báo cho bác sĩ tình trạng sức khỏe – Ảnh: Elf-Moondance – pixabay

Một vài thủ thuật sinh thiết đòi hỏi bạn thực hiện theo một số yêu cầu của bác sĩ, như nhịn ăn vài tiếng trước khi xét nghiệm máu, đánh giá khả năng dị ứng với các chất sử dụng trong khi làm sinh thiết,… 

Hơn nữa, bạn cũng cần thông báo cho bác sĩ tình trạng sức khỏe hoặc các loại thuốc đang sử dụng. 

Trong quá trình thực hiện sinh thiết

Phương pháp sinh thiết bạn được thực hiện sẽ dựa vào tình trạng và yêu cầu chẩn đoán.

Với hầu hết các thủ thuật sinh thiết, bạn được gây tê cục bộ để giảm cảm giác khó chịu, đau đớn.

Sau khi sinh thiết

Quá trình sinh thiết kết thúc, bạn có thể cảm thấy đau do thuốc gây tê tan hết, và được bác sĩ chỉ định sử dụng một số loại thuốc giảm đau.

Hầu hết các bệnh nhân sau thực hiện thủ thuật sinh thiết có thể ngoại trú và về nhà. 

Tuy nhiên, nếu lấy mẫu mô từ một cơ quan nội tạng cần thực hiện gây mê toàn thân, bệnh nhân phải được theo dõi tại bệnh viện.

Mẫu sinh thiết sau khi lấy sẽ được gửi đi kiểm tra, phân tích theo các phương pháp cụ thể tại đơn vị xét nghiệm. 

Mong rằng những chia sẻ trong bài viết này đã giúp quý độc giả hiểu thêm về xét nghiệm sinh thiết.

Xét nghiệm sinh thiết: Những thông tin cần biết

2 thoughts on “Xét nghiệm sinh thiết: Những thông tin cần biết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *