Bệnh tự miễn gồm hơn 180 loại khác nhau, phổ biến ở người trẻ, nhất là với nữ giới thuộc độ tuổi từ 14 đến 44. Xét nghiệm bệnh tự miễn dịch sẽ giúp người mắc bệnh được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh tự miễn là gì, có nguy hiểm không?
Bệnh tự miễn là gì?
Bệnh tự miễn dịch là tình trạng bệnh lý bắt nguồn từ việc bộ máy miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên. Tự kháng nguyên là thành phần của cơ thể, vì nguyên do nào đó trở thành vật lạ, tự kháng thể của cơ thể phản ứng chống lại các tự kháng nguyên này, dẫn tới bệnh tự miễn xảy ra.
Bệnh tự miễn khác với phản ứng tự miễn. Phản ứng tự miễn làm xuất hiện các tự kháng thể nhưng sẽ không khiến chúng ta bị bệnh, ví dụ như các tự kháng thể được tạo sau sự hoại tử mô để góp phần loại bỏ chất phân huỷ.
Một số tên gọi khác ít phổ biến hơn của bệnh tự miễn là: bệnh do tự duy trì, bệnh do tự công kích, bệnh do tự kháng thể, bệnh tự dị ứng, bệnh tự mẫn cảm.
Bệnh tự miễn có nguy hiểm không?
Bệnh tự miễn có thể tiến triển theo đợt, từ nhẹ đến nặng hơn.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, một số bệnh do rối loạn hệ thống miễn dịch có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, tổn thương dây thần kinh hay cơ quan trong cơ thể…
Những phương pháp xét nghiệm bệnh tự miễn dịch
Ở thời điểm hiện tại, xét nghiệm kháng thể kháng nhân là kỹ thuật được sử dụng nhiều nhất trong chẩn đoán bệnh tự miễn.
Xét nghiệm kháng thể kháng nhân tức là xét nghiệm ANA (Antinuclear Antibodies) cho kết quả chính xác để khẳng định liệu một người có đang mắc bệnh tự miễn hay không.
Tuy vậy, để xác định được cụ thể là loại bệnh lý tự miễn nào, sẽ cần thêm các xét nghiệm khác để có thể tìm ra các kháng thể đặc hiệu trong từng loại bệnh nhất định.
Về thực chất, xét nghiệm ANA được thực hiện với mục đích nhằm định lượng kháng thể kháng nhân có trong máu người bệnh.
Đây là một xét nghiệm huyết thanh học dựa vào một trong các kỹ thuật là miễn dịch hóa phát quang, xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết với enzyme, miễn dịch huỳnh quang,…
Từ kết quả xét nghiệm ANA, chúng ta biết được hiệu giá kháng thể thấp (âm tính) hay cao (dương tính), và kết quả dương tính có nghĩa là người đó đã mắc bệnh tự miễn.
Những bệnh lý tự miễn mà xét nghiệm kháng thể kháng nhân có thể giúp chẩn đoán bao gồm hội chứng Sjogren, vảy nến, viêm đa cơ, Lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp,…
Khi nào bác sĩ chỉ định cho bạn làm xét nghiệm bệnh tự miễn dịch?
Khi bạn có dấu hiệu bệnh tự miễn, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn thực hiện xét nghiệm ANA.
Dù triệu chứng mắc bệnh tự miễn thường không đặc hiệu, mơ hồ và có thay đổi qua thời gian với những đợt bùng phát hay ổn định xen kẽ nhau, nhưng bạn có thể tham khảo những dấu hiệu như:
- Đau đầu, chóng mặt, sốt không rõ nguyên nhân kéo dài
- Thường cảm thấy mệt, mất tinh thần, không tập trung
- Rụng tóc, tăng hoặc giảm cân bất thường
- Tê chân tay, da nhạy cảm với ánh sáng, ngứa, nổi mẩn đỏ, nổi mề đay, phát ban
- Cảm thấy đau như viêm khớp ở một hay nhiều khớp
- Thay đổi trong quá trình trao đổi chất và nhu động ruột, gặp các vấn đề về tiêu hóa khiến bạn dễ bị dị ứng thực phẩm, hoặc bị táo bón, tiêu chảy
Quy trình xét nghiệm chẩn đoán bệnh tự miễn như thế nào?
Trước khi làm xét nghiệm bệnh lý tự miễn, bạn không cần chuẩn bị hoặc kiêng khem gì đặc biệt. Việc ăn uống và sinh hoạt có thể diễn ra như bình thường, tuy nhiên nên tránh sử dụng các chất kích thích (bia rượu, thuốc lá, cà phê,…).
Cần lưu ý, một số loại thuốc có khả năng khiến kết quả xét nghiệm tự miễn bị dương tính/âm tính giả.
Do đó, trước khi làm xét nghiệm bệnh lý tự miễn, bạn nên báo với bác sĩ về những loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng đang dùng.
Mẫu bệnh phẩm được sử dụng trong xét nghiệm này là máu tĩnh mạch lấy ở tay bệnh nhân, được đựng trong ống nghiệm có chứa chất chống đông.
Tiếp đó, mẫu bệnh phẩm được ly tâm, lấy huyết tương/huyết thanh dùng để phân tích tại phòng xét nghiệm bằng các kỹ thuật:
- Miễn dịch hóa phát quang (phương pháp đang được sử dụng nhiều nhất)
- Miễn dịch enzyme
- Miễn dịch huỳnh quang gián tiếp
Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh tự miễn và tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị thích hợp.
Mặt khác, có một số yếu tố gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm chẩn đoán bệnh tự miễn mà bác sĩ cần xem xét, bao gồm:
- Quá trình lấy mẫu xét nghiệm tự miễn không đạt hiệu quả hoặc bảo quản mẫu không tốt
- Bệnh nhân không báo trước về loại thuốc đang sử dụng
- Người bệnh đang nhiễm một loại virus khiến kết quả xét nghiệm tự miễn không được chính xác
Xem kết quả xét nghiệm bệnh lý tự miễn như thế nào?
Kết quả xét nghiệm ANA dùng để chẩn đoán bệnh tự miễn dịch có thể cho ra kết quả dưới 2 dạng:
Âm tính: Có nghĩa là trong mẫu máu xét nghiệm không tìm thấy kháng thể ANA. Nhưng nếu bạn vẫn xuất hiện các triệu chứng lâm sàng thì cần thực hiện xét nghiệm bệnh lý tự miễn lần nữa sau 4-6 tuần.
Dương tính: Có nghĩa là trong mẫu máu có xuất hiện kháng thể ANA, và bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn và làm các xét nghiệm chuyên sâu khác.
Nội dung về xét nghiệm bệnh tự miễn dịch do TPH chia sẻ mang tính tham khảo, không thay thế tư vấn của bác sĩ. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ liên quan đến bệnh tự miễn, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, tư vấn, làm xét nghiệm và điều trị sớm nhất.