Hãy cùng TPH tìm hiểu ung thư bàng quang là gì và trang bị những kiến thức hữu ích về căn bệnh này nhé!

Ung thư bàng quang là bệnh gì?

Ung thư bàng quang là gì và được chẩn đoán như thế nào
Ung thư bàng quang là bệnh gì? – Ảnh: miskawaanhealth.com

Ung thư bàng quang là vùng phát triển mô bất thường (hay còn được gọi là khối u) trong niêm mạc bàng quang. Trong một số trường hợp, khối u có thể lan vào cơ bàng quang.

Bệnh ung thư bàng quang có cơ hội chữa kịp thời nếu được phát hiện trong giai đoạn sớm.

Tuy nhiên, ngay cả khi được phát hiện trong giai đoạn bệnh mới hình thành thì khả năng tái phát vẫn cao.

Nguyên nhân nào gây ra ung thư bàng quang?

Nguyên nhân chính xác của bệnh ung thư bàng quang đến nay vẫn chưa được biết. 

Nhưng chúng ta có thể thấy có nhiều yếu tố liên quan đến khả năng xuất hiện bệnh này, chẳng hạn như:

Hút thuốc lá

Khói thuốc lá vốn dĩ có chứa chất gây ung thư có thể hấp thụ vào máu và bài tiết qua đường nước tiểu. 

Vậy nên, người hút thuốc đồng nghĩa với tự cho phép niêm mạc bàng quang của mình tiếp xúc trực tiếp với chất gây ung thư. 

Và đây là nguyên nhân gây ung thư bàng quang phổ biến nhất, chiếm khoảng 50% trường hợp mắc.

Ung thư bàng quang là gì và được chẩn đoán như thế nào
Hút thuốc lá chính là yếu tố nguy cơ chủ yếu gây ung thư bàng quang – Ảnh: geralt – pixabay

Tiếp xúc với hóa chất độc hại

Tiếp xúc với một số hóa chất công nghiệp cũng tạo ra rủi ro bị ung thư bàng quang không hề nhỏ. 

Các nghiên cứu trước đây đã ước tính yếu tố này có thể chiếm khoảng 25% các trường hợp mắc bệnh này.

Có thể liệt kê những loại hóa chất làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang: 2-Naphthylamine, 4-Aminobiphenyl, benzidine,…

Hiện đã có các quy định nghiêm ngặt để hạn chế con người tiếp xúc với các hóa chất gây ung thư.

Tuy vậy, những hóa chất độc hại vẫn có liên quan đến các trường hợp ung thư bàng quang ngày nay, bởi thời gian phát bệnh có thể mất đến 30 năm kể từ lần đầu tiếp xúc với hóa chất.

Giới tính nam

Bệnh nhân ung thư bàng quang có giới tính nam nhiều hơn so với giới tính nữ.

Theo các nhà khoa học, nội tiết tố nữ chứa các chất ức chế mô trong bàng quang phát triển, nhờ đó có tác dụng ngăn ngừa sự xuất hiện của khối u gây ung thư.

Chủng tộc

Người thuộc chủng tộc da trắng có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao gấp đôi người thuộc các chủng tộc khác.

Tuổi tác

Độ tuổi trung niên trở lên thường mắc bệnh này cao hơn nhóm tuổi khác.

Theo Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108, ung thư bàng quang thường gặp ở những người lớn có độ tuổi từ 40-70.

Các yếu tố nguy cơ khác

  • Rối loạn di truyền
  • Tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh này
  • Ăn thực phẩm giàu nitrat (ví dụ: thịt xông khói, xúc xích, thức ăn quá nhiều dầu mỡ…)
  • Uống quá ít nước so với mức cần thiết (tầm 2 lít nước/ngày)
  • Từng điều trị bằng xạ trị ở vùng bụng hoặc xương chậu
  • Thường xuyên dùng một số loại thuốc chữa bệnh đái tháo đường, như thuốc có chứa Pioglitazone
  • Thường xuyên dùng thuốc giảm đau có chứa nhiều Phenacetin
  • Nhiễm bệnh sán máng – một loại ký sinh trùng thường đẻ trứng trên thành bàng quang gây ra kích ứng mãn tính, từ đó có thể diễn tiến thành ung thư bàng quang

Dấu hiệu của ung thư bàng quang là gì?

Ung thư bàng quang là gì và được chẩn đoán như thế nào
Dấu hiệu của ung thư bàng quang là gì? – Ảnh: tanurology.com.sg

Đi tiểu ra máu (thường không đau) và nếu mãn tính, có thể có ra rất nhiều. Đây là triệu chứng điển hình nhất của căn bệnh này.

Ngoài ra, những triệu chứng bệnh ung thư bàng quang ít phổ biến hơn là:

  • Đi tiểu thường xuyên
  • Tiểu không kiểm soát
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu

Khi ung thư bàng quang lan sang các cơ quan khác, bệnh nhân có thể bị đau nhức xương, đau lưng, sưng tấy bàn chân, chán ăn và luôn mỏi mệt.

Ung thư bàng quang gồm mấy giai đoạn?

Cũng như các loại ung thư khác, ung thư bàng quang được chia làm 4 giai đoạn và giai đoạn sau có mức độ nghiêm trọng hơn giai đoạn trước đó.

Giai đoạn 1

Ung thư chỉ mới xảy ra ở niêm mạc bàng quang.

Giai đoạn 2

Một số tế bào khối u đã có dấu hiệu lan vào các lớp cơ bàng quang nhưng vẫn còn giới hạn trong bàng quang.

Giai đoạn 3

Tế bào ung thư bắt đầu “xâm lược” vào thành bàng quang và đã lan đến các mô xung quanh bàng quang.

Giai đoạn 4

Tế bào ung thư đã lan rộng vào các hạch bạch huyết, tiếp tục lan sang các cơ quan khác như hạch bạch huyết, xương, gan hoặc phổi.

Làm thế nào để chẩn đoán ung thư bàng quang?

Người có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cần sớm đến bác sĩ để được chẩn đoán bằng các phương pháp:

Xét nghiệm nước tiểu

Bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm tế bào học nước tiểu để kiểm tra các dấu hiệu khối u trong nước tiểu.

Nội soi đường nước tiểu

Phương pháp này cho phép xem cấu trúc bên trong của bàng quang niệu đạo. 

Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể phát hiện vị trí, kích thước và hình dạng của khối u.

Sinh thiết 

Sinh thiết nhằm kiểm tra xác nhận tình trạng ung thư bàng quang, bao gồm cả việc giúp xác định được giai đoạn và sự tiến triển của tế bào ung thư. 

Thêm vào đó, bác sĩ có thể loại bỏ hết khối u trong khi sinh thiết.

Một số kỹ thuật khác

Các phương pháp sử dụng CT scan, MRI hoặc siêu âm bụng nhằm kiểm tra cấu trúc của các cơ quan trong hệ thống tiết niệu, từ đó giúp phát hiện vị trí và kích thước của khối u.

Bác sĩ còn có thể chụp X-quang ngực và quét xương với mục đích kiểm tra sự lây lan của ung thư đến phổi và xương, trong trường hợp ung thư bàng quang đã lan rộng.

Điều trị ung thư bàng quang như thế nào?

Ung thư bàng quang là gì và được chẩn đoán như thế nào
Điều trị ung thư bàng quang như thế nào? – Ảnh: Elf-Moondance – pixabay

Bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phụ thuộc vào giai đoạn phát triển, mức độ nghiêm trọng của bệnh và cả sức khỏe của bệnh nhân.

Giai đoạn 1

Bệnh chưa tiến triển, nên có thể điều trị bằng cách phẫu thuật bằng camera qua niệu đạo để cắt khối u bên trong bàng quang.

Giai đoạn 2

Giai đoạn ung thư bàng quang bắt đầu tiến triển, cần phẫu thuật bàng quang.

Giai đoạn 3

Bệnh nhân được phẫu thuật cắt bàng quang triệt để, kết hợp với hóa trị sau phẫu thuật.

Giai đoạn 4

Bác sĩ tiến hành truyền hóa chất qua đường tĩnh mạch cho bệnh nhân để tiêu diệt tế bào ung thư bàng quang.

Chăm sóc bản thân khi bị ung thư bàng quang bằng cách nào?

Người mắc bệnh ung thư bàng quang tuyệt đối không sử dụng thuốc lá, các loại chất kích thích cũng như cần hạn chế sử dụng đồ uống có cồn.

Bệnh nhân nên ăn nhiều loại rau quả tươi, thực phẩm giàu dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên vận động, tập các bài thể dục thể thao lành mạnh phù hợp với bản thân.

Và đừng quên theo dõi tình trạng sức khỏe của mình trong khoảng 3-6 tháng để có hướng điều trị kịp thời.

Các thông tin về chủ đề “Ung thư bàng quang là gì và được chẩn đoán như thế nào?” mà TPH đã cung cấp cho quý độc giả ở trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho tư vấn của bác sĩ. 

Ung thư bàng quang là gì và được chẩn đoán như thế nào?
Đăng ký
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
trackback

[…] >> Xem thêm: Ung thư bàng quang là gì và được chẩn đo… […]