Bệnh lao phổi được coi là bệnh truyền nhiễm vì có thể lây lan qua đường không khí. Vi khuẩn lao còn có thể từ phổi lây cho các cơ quan khác trong cơ thể, gây nguy hại cho sức khỏe của người bệnh.

Bệnh lao phổi là gì?

Bệnh lao phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh lao phổi là gì? – Ảnh: Mostphotos

Lao phổi hay ho lao, có tên tiếng Anh là Pulmonary Tuberculosis.

Đây là một bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, nó xảy ra khi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis ảnh hưởng chủ yếu đến phổi. 

Lao phổi dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người mỗi năm.  

Vi khuẩn M. tuberculosis có thể sống sót từ 3-4 tháng trong điều kiện tự nhiên, và có thể được bảo quản trong phòng thí nghiệm suốt nhiều năm. 

Tuy vậy, vi khuẩn này chết khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong 1,5 giờ và chỉ sống được 5 phút khi tiếp xúc với tia UV. 

Mycobacterium tuberculosis là một loại vi khuẩn hiếu khí, đó là lý do tại sao nó thích ở trong môi trường giàu oxy như phổi, và số lượng vi khuẩn lớn nhất có mặt trong hang lao có phế quản thông.

Triệu chứng khi mắc ho lao là như thế nào?

Bệnh lao phổi có thời gian ủ bệnh dài ngắn tùy thuộc vào sức khỏe và sức đề kháng của mỗi người. 

Ở thời kỳ ủ bệnh, bệnh nhân lao phổi có ít hoặc không có triệu chứng của bệnh, nên rất khó để xác định họ có mắc bệnh hay không. 

Đến giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ bệnh ở từng cơ quan. 

Bệnh lao phổi thường có các dấu hiệu đặc hiệu, biểu hiện qua đường hô hấp như: 

  • Ho khan, ho nhẹ, đôi khi người bệnh không biết mình bị ho từ khi nào. Nếu bệnh nhân ho khan dai dẳng, sốt nhẹ trên 3 tuần (có thể sốt về chiều), bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang phổi và xét nghiệm đờm để kiểm tra trực khuẩn lao. 
  • Khi ho khạc ra đờm thường có màu trắng. 
  • Ho ra máu (đờm lẫn máu). 
  • Thường bị khó thở, khám phổi thấy có ran ẩm, ran nổ tại vị trí tổn thương.

Nguyên nhân gây bệnh lao phổi là gì?

Bệnh lao phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nguyên nhân gây bệnh lao phổi – Ảnh: inlifehealthcare.com

Căn bệnh này lây truyền qua đường không khí, tác nhân gây bệnh lao không tồn tại trong tự nhiên cũng như không có vật trung gian truyền bệnh. 

Nguồn lây bệnh chủ yếu là người hoặc động vật mang vi khuẩn lao, khi ho hoặc hắt hơi sẽ tạo ra những giọt bắn rất nhỏ, chứa nhiều vi khuẩn M. tuberculosis lơ lửng trong không khí.

Nếu ai đó hít những hạt chứa đầy vi khuẩn này vào phổi sẽ bị lây bệnh.

Bệnh lao phổi được chia làm 2 giai đoạn: 

Giai đoạn lao nhiễm

Vi khuẩn lao mới xâm nhập vào phổi và gây nhiễm trùng sơ cấp, từ đó chúng lây lan qua bạch huyết và mạch máu, có thể gây thương tổn cho một số cơ quan khác. 

Giai đoạn lao bệnh

Đối với tất cả các nhóm tuổi, khoảng 10% trường hợp lao nhiễm sẽ chuyển sang giai đoạn  lao bệnh. 

80% trường hợp mắc lao bệnh xảy ra trong vòng 2 năm đầu. 

1/2 trường hợp bệnh nhân lao là nguồn lây mới trong xã hội.

Những ai có nguy cơ cao bị ho lao?

Bệnh lao dễ lây lan từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Vậy nên, những đối tượng sau đây có nguy cơ cao mắc lao phổi: 

  • Người tiếp xúc gần, chăm sóc trực tiếp hay nói chuyện với người bị lao
  • Người ở nơi có nhiều bệnh nhân lao phổi đang sinh sống 
  • Người mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch như HIV, bệnh ung thư, gan, lá lách… 
  • Người nghiện rượu, thuốc lá, nhiễm HIV hoặc tiêm chích ma túy 
  • Người mắc bệnh mãn tính hoặc đang phải dùng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài 
  • Người bị bụi phổi silic, suy thận hoặc lọc máu

Chẩn đoán lao phổi như thế nào?

Bệnh lao phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Chẩn đoán lao phổi bằng những phương pháp nào? – Ảnh: saniusman89 – pixabay

Theo các chuyên gia, không phải tất cả những người bị nhiễm vi khuẩn lao đều phát triển thành bệnh lao phổi. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn M. tuberculosis sẽ bị hệ thống miễn dịch tấn công. 

Những người sở hữu hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể không phát bệnh, nếu có thì bệnh phát triển rất chậm, có khi kéo dài hàng chục năm. 

Ngược lại, người có sức đề kháng yếu ớt sẽ tạo cơ hội để vi khuẩn sinh sôi gây bệnh, bệnh lao phổi phát triển nhanh.

Để chẩn đoán dấu hiệu của bệnh ho lao, bên cạnh các triệu chứng đặc hiệu, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm bao gồm: 

Lâm sàng

Bệnh nhân ho dai dẳng, ho ra máu, sốt nhẹ về chiều tối hoặc về đêm, gầy, sút cân. 

Chụp X-quang

Tổn thương thâm nhiễm xảy ra chủ yếu ở vùng cao của phổi. 

Tìm trực khuẩn lao (nhuộm soi trực tiếp hoặc nuôi cấy) 

Phương pháp này được thực hiện thông qua các mẫu xét nghiệm như đờm, dịch phế quản, dịch màng phổi…

Tổn thương nang lao trên sinh thiết

PCR-BK (phản ứng khuếch đại chuỗi nhằm tìm kiếm bằng chứng về gen của trực khuẩn lao) dương tính

>> Xem thêm: Xét nghiệm sinh thiết 

Điều trị lao phổi như thế nào?

Có thể điều trị dứt điểm lao phổi không?

Lao phổi có thể được điều trị khỏi, quan trọng là bệnh nhân phải được bắt đầu điều trị sớm ngay sau khi được chẩn đoán.

Việc điều trị lao đòi hỏi bệnh nhân kiên trì trong thời gian dài, đồng thời cần hiểu và tuân thủ những nguyên tắc điều trị: dùng thuốc đúng liều, đều đặn, đủ thời gian.

Trong cơ thể người mắc bệnh lao phổi tồn tại nhiều nhóm trực khuẩn lao khác nhau, có nhóm dễ bị thuốc kháng lao tiêu diệt và cũng có những nhóm khó bị tiêu diệt hơn.

Hơn nữa, vi khuẩn lao có đặc điểm là có một số vi khuẩn tự nhiên có khả năng kháng thuốc (lờn thuốc). Số lượng vi khuẩn càng đông thì khả năng càng có nhiều vi khuẩn kháng thuốc.

Đó là lý do vì sao muốn trị dứt điểm bệnh lao, cần phải đáp ứng được 2 yếu tố:

  • Tiêu diệt được tất cả các dân số vi khuẩn gây lao phổi
  • Không cho hiện tượng kháng thuốc xảy ra

Cụ thể các nguyên tắc điều trị bệnh lao phổi là như thế nào?

Các nguyên tắc điều trị bệnh lao phổi bao gồm:

Phối hợp cùng lúc nhiều loại thuốc chống lao

Nhằm tránh sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc, giai đoạn tấn công phải phối hợp 3-4 loại thuốc, giai đoạn duy trì phối hợp 2-3 loại thuốc.

Dùng thuốc đúng liều

Liều thấp không đạt hiệu quả, dễ gây ra kháng thuốc, còn dùng liều cao dễ gây tình trạng tai biến.

Dùng thuốc đều đặn

Các thuốc kháng lao phải được tiêm và uống cùng lúc vào giờ cố định trong ngày. Điều này giúp thuốc có thể đạt đỉnh cao trong máu. 

Ngoài ra, người bệnh lao phải uống thuốc xa bữa ăn để hấp thụ vào máu tối đa.

Dùng thuốc đủ thời gian

Việc dùng thuốc đủ thời gian sẽ đảm bảo bệnh lao không tái phát.

Hiện nay, có hai giai đoạn điều trị lao gồm:

Giai đoạn tấn công: kéo dài từ 2-3 tháng, nhằm làm giảm nhanh số lượng vi khuẩn lao, kể cả nhóm đang ngủ yên, để ngăn chặn đột biến kháng thuốc.

Giai đoạn duy trì: kéo dài 4-6 tháng, nhằm mục đích tiêu diệt toàn bộ các vi trùng còn sót lại và tránh tái phát bệnh lao phổi.

Nếu tuân thủ những nguyên tắc trên, bệnh lao sẽ được chữa khỏi. 

Không tuân thủ các quy tắc, sử dụng thuốc không đúng liều lượng, không đều đặn, không đủ thời gian thì bệnh ho lao không khỏi. 

Người bệnh này có thể tử vong, bệnh trở thành mãn tính lây lan cho nhiều người khác.

Hệ thống chống và điều trị lao hiện đã phủ khắp toàn quốc. Các bệnh nhân lao đều được điều trị trong môi trường tốt nhất với các phác đồ hiệu quả. 

Trong 2 tháng đầu tiên, người mắc bệnh lao được giám sát và điều trị với các cán bộ y tế. Trong giai đoạn sau đó, bệnh nhân được giám sát bởi người thân hoặc nhân viên y tế.

Phòng tránh bệnh ho lao ở phổi như thế nào?

Bệnh lao phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Cách phòng bệnh lao phổi – Ảnh: Abhi_Jacob – pixabay

Hiện nay, biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh lao là tiêm vắc xin. 

Khi vào cơ thể, vắc xin phòng lao giúp tạo miễn dịch chủ động, chống lại sự tấn công của vi khuẩn lao. 

Nước ta chủ yếu sử dụng vắc xin BCG để tiêm chủng cho trẻ em chống lại bệnh lao. 

Ngoài việc tiêm phòng lao, chúng ta cần thực hiện các biện pháp bảo vệ mình trước sự xâm nhập của vi khuẩn lao, chẳng hạn như hạn chế tiếp xúc với người bị lao, thường xuyên đeo khẩu trang và mở cửa để không gian trong phòng ốc thông thoáng. 

Chăm sóc bệnh nhân bị lao phổi như thế nào?

Bệnh nhân lao phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. 

Khi ho, hắt hơi cần che miệng, khạc đờm đúng chỗ. Việc tiêu hủy đờm hoặc các vật chứa nguồn lây nhiễm cần đảm bảo đúng cách. 

Thêm vào đó, chỗ ở và đồ đạc của bệnh nhân cần được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời càng nhiều càng tốt. Phòng phải được thông gió để giảm thiểu nồng độ các hạt chứa vi khuẩn lao trong không khí.

Bệnh nhân HIV/AIDS nên dùng INH 300mg/ngày trong 6 tháng để phòng bệnh lao. 

Người mắc một số bệnh như tiểu đường, viêm loét dạ dày… thì nên đi kiểm tra bệnh lao thường xuyên để phòng bệnh. 

Bài viết này của TPH mang tính tham khảo và không thay thế cho sự tư vấn từ bác sĩ. Tóm lại, chữa trị dứt điểm nếu mắc bệnh lao phổi là bước quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh này lây lan ra cộng đồng. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời cũng giúp ngăn ngừa các biến chứng cho bệnh nhân.

Bệnh lao phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận