Do có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, các bé thường dễ mắc bệnh vào mùa mưa lạnh. Sau đây là 5 loại bệnh mà bé dễ mắc phải trong mùa mưa, các bậc phụ huynh cần biết để hạn chế tối đa việc trẻ mắc bệnh.

Bệnh tay chân miệng

Phòng ngừa 5 loại bệnh trẻ nhỏ hay mắc vào mùa mưa
Trẻ dễ mắc bệnh tay chân miệng vào mùa mưa – Ảnh: Marisa_Sias – pixabay

Đây là bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và có khả năng lây nhiễm nhanh, dễ bùng phát thành dịch. 

Khi phát dịch, bệnh tay chân miệng có thể lây lan nhanh chóng từ bé này sang bé khác thông qua các chất tiết mũi miệng, nước bọt hay phân của trẻ bệnh, hoặc có thể qua virus bám trên tay của người chăm sóc.

Hiện tại, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Do vậy, biện pháp phòng bệnh tay chân miệng tốt nhất là:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
  • Thường xuyên rửa sạch đồ dùng, đồ chơi của trẻ
  • Ăn chín uống sôi, đảm bảo dinh dưỡng
  • Khử khuẩn môi trường có trẻ bị bệnh tay chân miệng và môi trường xung quanh

Bệnh sốt siêu vi

 các bệnh trẻ nhỏ hay mắc vào mùa mưa
Sốt siêu vi là một trong các bệnh trẻ nhỏ hay mắc vào mùa mưa – Ảnh: ExergenCorporation – pixabay

Sốt siêu vi là một bệnh cấp tính, diễn tiến từ 3 ngày đến 1 tuần, cho đến nay chưa có thuốc điều trị. 

Khi trẻ bệnh sốt siêu vi, cha mẹ nên cho bé nghỉ học vì bệnh lây lan nhanh.

Khi chăm sóc trẻ mắc bệnh sốt siêu vi, cần lau mát, cho trẻ uống paracetamol hạ sốt (liều lượng tính theo cân nặng). Lưu ý, thuốc kháng sinh không có khả năng loại trừ bệnh này.

Hơn nữa, phụ huynh nên cho trẻ uống bù nước, ăn món ấm nóng, nhiều nước như cháo, súp,…

Nếu thấy các triệu chứng như lừ đừ, bỏ ăn, cần đưa bé nhập viện sớm.

Một số biện pháp phòng ngừa sốt siêu vi một cách chủ động và hiệu quả là:

  • Cho trẻ em ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đúng bữa, khoa học để nâng cao thể trạng
  • Rửa tay, giữ vệ sinh cá nhân 
  • Không để bé tiếp xúc với người bị bệnh hoặc có triệu chứng nghi ngờ bệnh sốt siêu vi
  • Tạo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát

Bệnh sốt xuất huyết

các bệnh trẻ nhỏ hay mắc vào mùa mưa
Muỗi vằn – thủ phạm truyền bệnh sốt xuất huyết – Ảnh: Rilsonav – pixabay

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan qua đường muỗi vằn đốt, có thể gây thành dịch. Trẻ em, đặc biệt là dưới 10 tuổi, thường mắc bệnh này.

Ở Việt Nam, sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng thường nằm trong số những bệnh thường gặp trong mùa mưa, cao điểm rơi vào các tháng 7, 8, 9, 10. 

Tương tự bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.

Do vậy, bệnh thường bùng phát thành dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc, gây khó khăn cho công tác điều trị và có khả năng gây tử vong, nhất là với trẻ em.

Để phòng tránh bệnh tốt nhất, chúng ta nên thường xuyên diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy.

Ngoài ra, cha mẹ phải hết sức chú ý đến việc phòng chống muỗi đốt trẻ, thoa kem chống muỗi, cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ trong mùng kể cả ban ngày.

Bệnh đường tiêu hóa

Phòng ngừa 5 loại bệnh trẻ nhỏ hay mắc vào mùa mưa
Các bé thường gặp vấn đề về tiêu hóa trong mùa mưa – Ảnh: JillWellington – pixabay

Trẻ em dễ gặp vấn đề tiêu hóa vào mùa mưa bởi hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt. Những bệnh đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ có thể kể đến như:

Tiêu chảy

Khi trẻ đi ngoài ra phân lỏng như nước trên 3 lần/ngày thì được coi là bị mắc bệnh tiêu chảy.

Nguy cơ lớn nhất là bệnh này khiến trẻ mất nước cùng các chất điện giải, từ đó cơ thể sẽ bị suy kiệt và tử vong. 

Theo thống kê, có đến 71% trẻ tử vong do tiêu chảy là do bị mất đi một lượng nước lớn trong cơ thể. 

Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy thường là các siêu vi trùng Rotavirus và vi khuẩn E.coli, hiện diện ở hầu hết các nơi bẩn và trong thức ăn kém vệ sinh.

Kiết lị

Bệnh kiết lị chủ yếu bắt nguồn từ nguyên nhân là ký sinh trùng trực khuẩn Shigella

Trẻ mắc kiết lị đại tiện ra phân rất ít nhưng kèm theo nhầy và máu, ngoài ra có thể kèm triệu chứng sốt, đau bụng. 

Căn bệnh này khiến bé luôn cảm giác muốn đi cầu, vật vã, cứ thế trẻ bị lả dần, hôn mê, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ.

Để phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa, phụ huynh chỉ nên cho trẻ ăn các thức ăn đã đun chín, tránh thực phẩm ôi thiu. 

Cạnh đó, cần khuyên trẻ tránh ăn uống ở hàng quán vỉa hè bụi bặm, hướng dẫn trẻ rửa tay kỹ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Bệnh đường hô hấp

Phòng ngừa 5 loại bệnh trẻ nhỏ hay mắc vào mùa mưa
Mùa mưa thường dễ khiến trẻ em gặp bệnh hô hấp – Ảnh: josic61 – pixabay

Thời tiết ẩm thấp, mưa gió khiến cả người lớn và trẻ em dễ nhiễm lạnh. 

Bệnh đường hô hấp, điển hình là cảm cúm và cảm lạnh, có độ phổ biến nhất trên thế giới. Đây là những bệnh truyền nhiễm trẻ nhỏ thường mắc phải, gây ra bởi một số virus khác nhau. 

Nhằm hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh cho các bé, phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa: 

  • Cung cấp cho các bé dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý
  • Khuyến khích trẻ lớn thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức đề kháng
  • Rửa tay bằng xà phòng để ngăn chặn vi khuẩn, virus gây bệnh hô hấp lây lan qua việc ăn uống, tiếp xúc bằng tay. Người lớn cần làm gương và tập cho trẻ thói quen tự rửa tay khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…
  • Giữ không gian nhà ở khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ

Mong rằng thông tin trên đây về các bệnh trẻ nhỏ hay mắc vào mùa mưa sẽ hữu ích cho các bậc phụ huynh!

Phòng ngừa 5 loại bệnh trẻ nhỏ hay mắc vào mùa mưa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *