Xét nghiệm nhóm máu giúp bạn biết chính xác mình thuộc nhóm máu nào. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi bạn cần truyền máu.

Xét nghiệm nhóm máu là gì?

Xét nghiệm nhóm máu là gì?
Xét nghiệm nhóm máu là gì? (Ảnh: mohamed_hassan – pixabay)

Nhóm máu là đặc điểm sinh học cơ bản của con người và do gen quyết định. 

Xét nghiệm nhóm máu được thực hiện trên mẫu máu của người được xét nghiệm. 

Sau khi lấy mẫu, dựa vào loại kháng nguyên hiện diện trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh, Bác sĩ sẽ xác định nhóm máu của bạn. 

Người ta thường sử dụng hai hệ nhóm máu phổ biến là hệ ABO và hệ Rh.

Tìm hiểu các nhóm máu

Phân loại theo hệ ABO

Đây là các loại nhóm máu đầu tiên được phát hiện, cụ thể là:

Nhóm máu A

Người có kháng nguyên loại A (type A antigens) trên bề mặt tế bào hồng cầu và kháng thể kháng B (anti-B antibodies) trong huyết tương.

Nhóm máu B

Người có kháng nguyên loại B (type B antigens) trên bề mặt tế bào hồng cầu và kháng thể chống A (anti-A antibodies) trong huyết tương.

Nhóm máu AB

Người có hai kháng nguyên loại A và B trên bề mặt của tế bào hồng cầu, và không có cả kháng thể kháng A lẫn kháng thể kháng B trong huyết tương.

Nhóm máu O

Ngược lại với người thuộc nhóm máu AB, đây là người không có kháng nguyên loại A hoặc kháng nguyên loại B trên bề mặt tế bào hồng cầu, và có cả kháng thể kháng A, kháng thể kháng B trong huyết tương.

Tìm hiểu các nhóm máu
Tìm hiểu các nhóm máu (Ảnh: 200degrees – pixabay)

Phân loại theo hệ Rh

Hệ thống nhóm máu Rh có các loại kháng nguyên chính: D, C, c, E và e.

Trong đó, kháng nguyên D có ý nghĩa thực tế hơn cả, nên hệ Rh còn được gọi là Rh D. 

Bề mặt hồng cầu có hay không có kháng nguyên D sẽ quyết định việc bạn mang nhóm máu Rh D(+) hay Rh D(-).

Đa số người dân Việt Nam có nhóm máu Rh D(+).

Còn nhóm máu Rh D(-) rất hiếm, chỉ khoảng 0,04 – 0,07% dân số có nhóm máu này. 

Nhóm máu Rh D(-) bình thường không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. 

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt như phụ nữ mang thai, truyền máu,… thì yếu tố này cần phải được đặc biệt lưu ý.

Tại sao cần thực hiện xét nghiệm nhóm máu? 

Trong nhiều trường hợp khi thiếu máu thì truyền máu là rất cần thiết. Thậm chí nếu không được truyền máu kịp thời, người bệnh có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng. 

Mặt khác, việc truyền nhầm nhóm máu dẫn đến nhiều biến chứng xấu cho sức khỏe bệnh nhân. Các phản ứng xuất hiện đồng loạt có thể gây sốc, thậm chí khiến bệnh nhân tử vong.

Ngoài ra, đối với phụ nữ mang thai, việc xác định nhóm máu giúp kiểm soát nguy cơ do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con. Vấn đề này có thể dẫn đến tai biến nghiêm trọng trong và sau khi sinh.

Xem thêm: Phần mềm Quản lý Ngân hàng máu TPH.FBlood

Các phương pháp xét nghiệm nhóm máu

Phương pháp xét nghiệm thủ công

Định nhóm máu trên phiến và định nhóm máu trong ống nghiệm là 2 phương pháp xét nghiệm theo cách thủ công.

Ưu điểm của các phương pháp này là đơn giản, dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí.

Tuy vậy, các phương pháp xét nghiệm thủ công có nhược điểm lớn là dễ sai sót về kỹ thuật, thủ tục hành chính, phụ thuộc vào tay nghề và trình độ của Kỹ thuật viên.

Các phương pháp xét nghiệm nhóm máu
Có 2 phương pháp xét nghiệm nhóm máu là phương pháp thủ công và phương pháp xét nghiệm tự động (Ảnh: prostooleh – freepik)

Phương pháp xét nghiệm tự động

Có hai phương pháp xét nghiệm xác định nhóm máu tự động, đó là: 

  • Định nhóm máu bằng Gelcard bán tự động 
  • Định nhóm máu bằng Gelcard trên máy tự động hoàn toàn

Các kỹ thuật hiện đại này có độ nhạy, độ đặc hiệu cao, cho kết quả ngưng kết rõ ràng. 

Đặc biệt, phương pháp định nhóm máu bằng Gelcard trên máy tự động hoàn toàn còn mang lại nhiều ưu điểm vượt trội như:

Về quy trình

Đây là kỹ thuật có các bước thực hiện quy trình một cách hoàn toàn tự động. 

Vì thế, hạn chế tối đa sự can thiệp trực tiếp của Kỹ thuật viên làm xét nghiệm vào quá trình phân tích mẫu, nhằm giảm thiểu khả năng sai sót.

Về mẫu làm xét nghiệm

Số lượng mẫu ít, chỉ cần 1 ống chống đông EDTA, thay vì 1 ống EDTA và 1 ống serum.

Về phân tích mẫu

Phương pháp định nhóm máu bằng Gelcard trên máy tự động hoàn toàn thực hiện được đồng thời nhiều xét nghiệm/lần trên cùng 1 mẫu.

Ngoài ra, kỹ thuật này cho phép truy cập ngẫu nhiên, liên tục theo từng đợt hoặc từng mẫu, có vị trí ưu tiên dành cho xét nghiệm cấp cứu. Qua đó giúp tối ưu hóa quy trình thực hiện xét nghiệm và rút ngắn thời gian trả kết quả.

Xét nghiệm nhóm máu bao lâu thì có kết quả?

Xét nghiệm nhóm máu bao lâu thì có kết quả?
Xét nghiệm nhóm máu bao lâu thì có kết quả? (Ảnh: lifeforstock – freepik)

Thời gian xét nghiệm xác định nhóm máu mất bao lâu tùy thuộc mỗi Cơ sở Y tế thực hiện, phương pháp áp dụng,… 

So với Cơ sở Y tế áp dụng phương pháp xét nghiệm thủ công, Cơ sở Y tế xét nghiệm máu theo phương pháp tự động bằng Gelcard bán tự động hoặc tự động hoàn chỉnh sẽ rút ngắn thời gian đáng kể.

Thông thường, quá trình xét nghiệm nhóm máu cần 30 phút – 2 tiếng. 

Nhằm tạo thuận tiện cho bệnh nhân, các Nhân viên Y tế thường sẽ hẹn giờ trả kết quả. 

Hy vọng, đọc đến đây, các bạn đã biết thêm một số thông tin cơ bản nhưng hữu ích về xét nghiệm nhóm máu hệ ABO và Rh.

Xét nghiệm nhóm máu hệ ABO và Rh: Bao lâu thì có kết quả?
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận