Xét nghiệm magie trong máu thuộc nhóm xét nghiệm máu. Vì người bệnh sẽ được lấy một lượng nhỏ máu để gửi đến phòng thí nghiệm định lượng magie.
Bản chất của xét nghiệm magie máu
Xét nghiệm magie máu đo lượng magie có trong máu của bạn.
Magie là một loại chất điện giải, đồng nghĩa nó là khoáng chất mang điện tích, chịu trách nhiệm cho nhiều chức năng và quá trình quan trọng trong cơ thể.
Hầu hết Mg trong cơ thể có mặt trong xương và các tế bào, nhưng một lượng nhỏ được tìm thấy trong máu.
Khi máu có nồng độ magie quá cao hay quá thấp, rất có thể đó là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Các nguyên nhân làm tăng magie máu
Sự tăng magie máu hiếm khi có nguyên do từ các nguồn thực phẩm, mà thường là do bài tiết giảm hoặc bổ sung quá mức.
Tăng magie máu là khi nồng độ magie huyết thanh lớn hơn 2,6 mg/dL (tức là lớn hơn 1,05 mmol/L).
Nồng độ magie máu tăng thường bắt nguồn từ các trường hợp:
- Suy thận (nguyên nhân chính)
- Mất nước
- Cường cận giáp, suy giáp
- Nhiễm acid do bệnh tiểu đường
- Bệnh Addison
- Dùng thuốc kháng acid chứa magie hoặc thuốc nhuận tràng…
Các nguyên nhân làm hạ magie máu
Tình trạng hạ magie máu phổ biến hơn so với tăng magie máu và cho biết người bệnh không hấp thụ đủ, hoặc bị bài tiết magie quá nhiều.
Sự thiếu hụt magie trong máu có thể là nguyên nhân của giảm canxi máu và thường liên quan mật thiết tới sự giảm Kali máu.
Cần lưu ý, khi nồng độ magie huyết thanh chưa xuống dưới 0,5 mmol/L, các dấu hiệu lâm sàng của thiếu magie có khả năng chưa xuất hiện.
Đa phần tình trạng hạ magie máu xảy ra do:
- Chế độ ăn uống kém dinh dưỡng (có thể gặp ở người lớn tuổi, người suy dinh dưỡng hoặc bị nghiện rượu)
- Sau phẫu thuật
- Đái tháo đường mất kiểm soát
- Rối loạn tiêu hóa (bệnh Crohn)
- Suy tuyến cận giáp
- Tiêu chảy kéo dài
- Xơ gan
- Bỏng nặng
- Nhiễm độc thai nghén
- Sử dụng thuốc lợi tiểu dài ngày…
Chỉ định xét nghiệm magie trong máu
Khi nồng độ canxi và kali thấp mãn tính, xét nghiệm magie máu có thể được chỉ định để theo dõi.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm này khi một người xuất hiện triệu chứng có khả năng do thiếu magie, như yếu cơ, co giật, lú lẫn, rối loạn nhịp tim và động kinh.
Kiểm tra thiếu magie là một phần của việc đánh giá tình trạng kém hấp thu, suy dinh dưỡng, tiêu chảy hoặc nghiện rượu.
Việc dùng một vài loại thuốc cũng có thể làm cho thận tăng bài tiết magie, nên xét nghiệm kiểm tra là cần thiết.
Khi bệnh nhân cần bổ sung magie và/hoặc canxi, định lượng magie máu có thể được thực hiện sau khoảng thời gian đó nhằm mục đích theo dõi hiệu quả điều trị.
Mặt khác, đối với người bị rối loạn chức năng thận hoặc tiểu đường không kiểm soát, xác định lượng magie trong máu có thể được chỉ định định kỳ, bên cạnh các xét nghiệm chức năng thận như urea và creatinine. Việc này giúp theo dõi chức năng thận và đảm bảo được magie không bị đào thải hay giữ lại trong cơ thể quá nhiều.
Cần nói thêm về những loại thuốc có khả năng làm tăng magie máu: aspirin, lithium, thuốc tuyến giáp, một số thuốc kháng sinh và các sản phẩm chứa vi chất này.
Còn các loại thuốc có thể làm hạ magie máu bao gồm insulin, digoxin, thuốc nhuận tràng, cyclosporin, thuốc lợi tiểu, một số thuốc kháng sinh, phenytoin.
Quá trình lấy mẫu để xét nghiệm magie máu
Mẫu máu để xét nghiệm kiểm tra magie trong máu được lấy vào buổi sáng.
Nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch trên cánh tay bệnh nhân bằng kim tiêm nhỏ.
Sau khi kim tiêm được đưa vào mạch, một lượng máu nhỏ (2ml) sẽ được thu thập để đựng vào ống nghiệm hoặc lọ. Không chống đông hoặc chống đông mẫu máu bằng lithiheparin (đặc biệt không dùng chống đông EDTA).
Quá trình lấy mẫu xét nghiệm nồng độ magie trong máu thường mất không quá năm phút.
Độ an toàn của xét nghiệm magie máu
Có rất ít rủi ro khi xét nghiệm nồng độ magie trong máu.
Trong một số tình huống hy hữu, người được lấy mẫu xét nghiệm có thể bị ngất xỉu, nhiễm trùng hay viêm.
Nhưng phần lớn mọi người khác đều được đảm bảo an toàn, có thể chỉ cảm thấy hơi châm chích khi kim tiêm tiếp xúc với da.
Dù sau khi lấy máu, có thể thấy hơi đau hoặc bầm tím, chảy máu tại chỗ kim tiêm chích, nhưng triệu chứng sẽ biến mất nhanh chóng.
Nội dung của TPH chỉ mang tính chất tham khảo về xét nghiệm magie trong máu. Thông tin trên đây không nên được sử dụng để thay thế cho chẩn đoán hoặc chăm sóc y tế chuyên nghiệp. Nếu bạn có thắc mắc về sức khỏe của mình, hãy sớm liên hệ với cơ sở y tế nhé!