Dựa vào kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu, Bác sĩ có thể đánh giá tình trạng sức khỏe, cũng như dự đoán được vấn đề nguy hiểm trong thời kỳ dưỡng thai hay quá trình sinh nở của phụ nữ.

Vì sao thai phụ cần xét nghiệm máu? 

Vì sao thai phụ cần xét nghiệm máu?
Tầm quan trọng của xét nghiệm máu và nước tiểu khi mang thai (Ảnh: valuavitaly – freepik)

Có thể bạn đang thắc mắc tại sao xét nghiệm máu khi mang thai lại quan trọng? Mẹ bầu không làm xét nghiệm máu thì có sao không?

Trên thực tế, xét nghiệm này cung cấp cho Bác sĩ những thông tin quan trọng về tình trạng sức khỏe của thai phụ và quá trình phát triển của em bé.

Không dừng lại ở đó, dựa vào các chỉ số trên kết quả xét nghiệm máu, Bác sĩ còn đưa ra dự đoán khá chính xác về nguy cơ có thể xảy ra trong thai kỳ, chuẩn bị cho quá trình sinh nở diễn ra một cách an toàn. 

Việc phát hiện sớm các nguy cơ giúp Bác sĩ chủ động hơn trong việc đưa ra phương án can thiệp phù hợp và kịp thời, nhằm hạn chế những rủi ro đáng tiếc.

Các loại xét nghiệm máu thường quy cần được thực hiện trong thai kỳ

Những loại xét nghiệm máu mà phụ nữ trong thời kỳ mang thai nên thực hiện bao gồm xét nghiệm nhóm máu và yếu tố Rh, kiểm tra đường huyết, công thức máu, xét nghiệm hàm lượng sắt, xét nghiệm các vi khuẩn, virus (như HIV, giang mai, Rubella, viêm gan B,…) và một số xét nghiệm khác tùy hoàn cảnh thực tế.

Xét nghiệm nhóm máu

Các loại xét nghiệm máu thường quy cần được thực hiện trong thai kỳ
Các loại xét nghiệm máu thường quy cần được thực hiện trong thai kỳ (Ảnh: dcstudio – freepik)

Việc nhận biết nhóm máu (A, B, AB, O) giúp ích rất nhiều cho thai phụ trong trường hợp cần được truyền máu khẩn cấp, ví dụ như bị xuất huyết khi mang thai hoặc sinh.

Xét nghiệm yếu tố Rh

Xét nghiệm yếu tố Rh là để nhận định thai phụ mang nhóm máu Rh+ (dương tính) hay Rh- (âm tính). 

Ở nước ta, tỉ lệ người mang nhóm máu Rh+ chiếm đại đa số, còn người mang nhóm máu Rh- tương đối hiếm.

Khi người cha có yếu tố Rh+ còn người mẹ mang thai có yếu tố Rh-, nhiều khả năng đứa bé sẽ mang nhóm máu Rh+. 

Đây là hiện tượng bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con, dẫn tới hệ quả là cơ thể người mẹ sản xuất những chất kháng thể khiến hồng cầu ở thai nhi bị phá hủy, gây ảnh hưởng xấu cho thai nhi.

Chính vì thế, khi dự đoán được vấn đề này, Bác sĩ sẽ tiến hành tiêm Globulin miễn dịch Rh vào cơ thể người mẹ để giảm thiểu rủi ro cho đứa bé.

Xét nghiệm chẩn đoán thiếu máu

Hiện tượng thiếu máu do thiếu sắt rất phổ biến khi phụ nữ mang thai. 

Bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ làm xét nghiệm để kiểm tra thiếu máu khi mới bắt đầu mang thai, và xét nghiệm lần nữa vào khoảng tuần thứ 28-34. 

Thiếu máu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc hàng ngày của người mẹ, mà còn gây tổn hại cho sự phát triển của bào thai. 

Vì thế, việc phát hiện sớm thông qua xét nghiệm sẽ giúp thai phụ nhanh chóng bổ sung hàm lượng sắt cần thiết cho cơ thể.

Xét nghiệm HIV

Các loại xét nghiệm máu thường quy cần được thực hiện trong thai kỳ
Các loại xét nghiệm máu thường quy cần được thực hiện trong thai kỳ (Ảnh: skvalval – freepik)

HIV là virus gây suy giảm miễn dịch ở người, cũng là nguyên nhân gây ra đại dịch AIDS.

Mắc phải virus này, phụ nữ dễ gặp nhiễm trùng trong khi mang thai, sinh nở và cho con bú. 

Điều trị sớm cho mẹ sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ truyền bệnh cho bé. Và đó là lý do vì sao thai phụ được khuyên nên xét nghiệm HIV.

Xét nghiệm viêm gan siêu vi B

Nếu để virus này truyền vào em bé, nó sẽ gây bệnh gan. 

Tuy nhiên, nếu người mẹ được phát hiện dương tính với virus viêm gan B khi còn mang thai, thì em bé sẽ được tiêm chủng sau khi chào đời để ngừa bệnh hiệu quả.

Xét nghiệm Rubella

Các loại xét nghiệm máu thường quy cần được thực hiện trong thai kỳ
Các loại xét nghiệm máu thường quy cần được thực hiện trong thai kỳ (Ảnh: user12592530 – freepik)

Còn gọi là “sởi Đức” hay “sởi 3 ngày”, Rubella gây những biến chứng đáng lo ngại nếu mẹ bầu bị bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ, như khiến thai chết lưu, sảy thai, dị tật bẩm sinh cho bé.

Hơn nữa, em bé sinh ra từ người mẹ nhiễm bệnh Rubella có thể bị vàng da, xuất huyết, đái tháo đường, xương thủy tinh,…

Hiện tại, Rubella chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh Rubella tốt nhất.

Xét nghiệm Rubella cần được thực hiện đối với thai phụ chưa từng tiêm ngừa Rubella và cũng chưa từng mắc bệnh này. 

Thời gian tốt nhất để thực hiện xét nghiệm Rubella là khi thai nhi 7 đến 10 tuần tuổi. 

Xét nghiệm bệnh tiểu đường

Nếu có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, bạn cần làm xét nghiệm dung nạp glucose vào giữa giai đoạn tuần thứ 24-28 của thai kỳ. 

Với xét nghiệm này, bạn lưu ý không được ăn uống gì (trừ uống nước lọc) từ 22 giờ đêm hôm trước đến sáng hôm làm xét nghiệm.

Ngoài ra, xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ là một xét nghiệm máu, được tiến hành sau khi bạn được cho uống 75 gram đường và thử máu 3 lần.

Các loại xét nghiệm máu thường quy cần được thực hiện trong thai kỳ
Các loại xét nghiệm máu thường quy cần được thực hiện trong thai kỳ (Ảnh: Elf-Moondance – pixabay)

Xét nghiệm bệnh giang mai

Thêm một bệnh lây qua đường tình dục nữa mà nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây hại cho bé ngay khi chưa chào đời. 

Nếu thai nhi bị nhiễm xoắn khuẩn giang mai ở mức nặng, thường sẽ có nguy cơ bị sảy thai vào tháng thứ 5-6 của thai kỳ.

Nếu bị nhiễm ở mức độ nhẹ hơn, thai nhi có thể sẽ bị sinh non và cũng rất khó sống sót.

Vì lý do trên, thai phụ nên xét nghiệm máu để kiểm tra giang mai. 

Nếu phát hiện mắc giang mai từ sớm, bệnh có thể chữa khỏi bằng kháng sinh.

Như vậy, tuy không bắt buộc phải thực hiện tất cả những xét nghiệm này, nhưng các chị em nên tiến hành theo chỉ định của Bác sĩ. Mục đích là để đảm bảo mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh, được trang bị thêm kiến thức cần thiết để chăm sóc mình và thai nhi chu đáo hơn.

Xem thêm: Xét nghiệm máu tổng quát: Bao lâu thực hiện 1 lần?

Mang thai bao lâu thì xét nghiệm máu?

Thông thường, không có quy định bắt buộc nào về thời điểm thai phụ phải xét nghiệm máu.

Tuy nhiên, xét nghiệm này là cần thiết đối với mẹ bầu, đặc biệt trong 3 tháng đầu tiên.

Ngoài ra, khoảng từ tuần thứ 28 trở đi, khi đăng ký sinh tại một số bệnh viện thì mẹ bầu cần xét nghiệm máu để kiểm tra các chỉ số về nhóm máu, sự đông máu hay một số bệnh về máu,… Qua đó, có chuẩn bị tốt nhất cho quá trình vượt cạn sắp tới.

Quy trình xét nghiệm

Thai phụ nên thực hiện xét nghiệm máu vào buổi sáng
Thai phụ nên thực hiện xét nghiệm máu vào buổi sáng (Ảnh: valuavitaly – freepik)

Để có kết quả chính xác, thai phụ nên thực hiện xét nghiệm máu vào buổi sáng, và lưu ý nhịn ăn trước khi lấy máu.

Quá trình lấy máu rất nhanh chóng, đơn giản nên không cần quá lo lắng. 

Đôi khi, các chị em cảm thấy hơi đau nhói hoặc thâm tím tại vết chích nhưng sẽ hết nhanh chóng.

Vì sao thai phụ cần xét nghiệm nước tiểu? 

Vì sao thai phụ cần xét nghiệm nước tiểu?
Tầm quan trọng của xét nghiệm máu và nước tiểu khi mang thai (Ảnh: contato1526 – pixabay)

Tương tự xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu quan trọng vì giúp cho phụ nữ mang thai nắm được tình trạng sức khỏe của bản thân, cũng như được điều trị kịp thời nếu không may mắc bệnh.

Nói một cách cụ thể, thông qua chỉ số nước tiểu, Bác sĩ có thể đánh giá mức độ protein, glucose và các dấu hiệu nhiễm trùng. 

Những bất thường trong chỉ số xét nghiệm nước tiểu khi mang thai sẽ là dấu hiệu cho thấy nguy cơ thai phụ mắc bệnh tiểu đường, tiền sản giật (huyết áp cao), nhiễm trùng thận và bàng quang.

Những thành phần có thể được phát hiện khi xét nghiệm nước tiểu

Tiến hành xét nghiệm nước tiểu là nhằm mục đích kiểm tra các thành phần khác nhau của nước tiểu, một sản phẩm chất thải của thận. 

Qua xét nghiệm này, nhiều bệnh lý ở các cơ quan khác nhau của cơ thể có thể được phát hiện.

Những thành phần có thể hiện diện trong nước tiểu bao gồm:

Đường

Thai phụ có sức khỏe bình thường có rất ít hoặc không có đường (glucose) trong nước tiểu.

Thế nhưng, khi lượng đường trong máu quá cao, chúng có thể lắng xuống trong nước tiểu.

Điều này là dấu hiệu nhận biết tiểu đường thai kỳ, xảy ra khi hormone thai kỳ phá vỡ khả năng sử dụng insulin – một hóa chất biến đường trong máu thành năng lượng, của cơ thể.

Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện một số bệnh lý ở phụ nữ mang thai
Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện một số bệnh lý ở phụ nữ mang thai (Ảnh: biancoblue – freepik)

Hầu hết phụ nữ bị tiểu đường đều có thể sinh con khỏe mạnh. 

Tuy nhiên, họ không thể kiểm soát được cân nặng của trẻ, và em bé của bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ có khả năng nặng hơn 4kg. 

Do đó, việc sinh nở trở nên khó khăn hơn. Thậm chí, việc nồng độ glucose không được kiểm soát trong thai kỳ cũng liên quan tới nguy cơ dị tật tim, thận và cột sống ở trẻ sơ sinh.

Hơn nữa, ngay cả khi chỉ số xét nghiệm nước tiểu khi mang thai bình thường, thì hầu hết thai phụ sẽ được chỉ định lấy máu làm xét nghiệm glucose trong giai đoạn tuần thai thứ 24 đến 28. 

Mặc dù thế, đừng băn khoăn vì mức đường cao hơn bình thường không có nghĩa là bạn đã bị tiểu đường. Chẳng hạn, lỡ uống nước ngọt hoặc ăn no sát với thời gian thực hiện xét nghiệm cũng có thể dẫn đến kết quả dương tính giả. 

Vì vậy, Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm thêm để theo dõi, đánh giá liệu bạn có thực sự bị tiểu đường thai kỳ hay không.

Vi khuẩn

Những bất thường trong chỉ số xét nghiệm nước tiểu khi mang thai sẽ là dấu hiệu cho thấy thai phụ mắc bệnh nào đó
Những bất thường trong chỉ số xét nghiệm nước tiểu khi mang thai có thể là dấu hiệu bệnh (Ảnh: Elf-Moondance – pixabay)

Vi khuẩn xuất hiện trong nước tiểu là dấu hiệu không thể rõ ràng hơn của bệnh nhiễm trùng đường tiểu. 

Nhiễm trùng đường tiểu có thể lan đến thận và gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe của mẹ hoặc em bé.

Dù hiếm khi dẫn tới các biến chứng nặng hơn, nhưng nếu không điều trị, bệnh có thể làm hỏng thận của phụ nữ mang thai, làm tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân hoặc sinh non.

Mặt khác, que thử nước tiểu không phát hiện vi khuẩn, nhưng vẫn có thể phát hiện ra một loại enzyme là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu. 

Thông qua xét nghiệm cũng có thể phát hiện nitrit trong nước tiểu, do một số vi khuẩn tiết ra.

Nếu kết quả xét nghiệm này là dương tính, Bác sĩ thường khuyên mẹ bầu làm xét nghiệm cấy nước tiểu. Từ đó xác nhận chính xác loại vi khuẩn và loại kháng sinh nào sẽ hoạt động tốt nhất. 

Phụ nữ mang thai có vi khuẩn trong nước tiểu – ngay cả khi không có triệu chứng, sẽ được điều trị bằng kháng sinh. 

Và bạn hãy luôn nhớ tham khảo ý kiến Bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại kháng sinh nào nhé!

Trên thực tế, Bác sĩ thường yêu cầu nuôi cấy nước tiểu khi các chị em bắt đầu mang thai.

Mục đích là để chẩn đoán và điều trị sớm nhiễm trùng tiểu, dù chưa có triệu chứng, tránh các biến chứng sau này.

Ketone

Tiến hành xét nghiệm nước tiểu là nhằm mục đích kiểm tra các thành phần khác nhau của nước tiểu
Tiến hành xét nghiệm nước tiểu là nhằm mục đích kiểm tra các thành phần khác nhau của nước tiểu (Ảnh: benzoix – freepik)

Khi chất béo bị phân hủy để tạo năng lượng thay vì carbohydrate, sẽ có kết quả là các sản phẩm phụ mang tính axit, được gọi là ketone. 

Ở người bị tiểu đường, chỉ số KET trong nước tiểu cao có thể chỉ ra hiện tượng ketoacidosis (DKA). 

DKA thường phát triển chậm nhưng nguy hiểm, có thể dẫn đến hôn mê do tiểu đường và nặng hơn là tử vong.

Khi làm xét nghiệm nước tiểu, nếu thai phụ có nồng độ ketone đặc biệt cao, Bác sĩ sẽ căn cứ vào thói quen ăn uống, sinh hoạt để tìm hiểu nguyên nhân. 

Trong trường hợp chỉ số KET trong nước tiểu ở mức vừa và lớn xuất phát từ việc bỏ bữa thường xuyên, thì mẹ bầu không cần thiết phải nhập viện.

Tuy nhiên, nếu buồn nôn và ói mửa nghiêm trọng, thai phụ có thể được chỉ định tiếp nhận chất dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch.

Chất đạm

Protein niệu là sự có mặt của protein trong nước tiểu
Protein niệu là sự có mặt của protein trong nước tiểu (Ảnh: rhjphotoandilustration – freepik)

Protein niệu là sự có mặt của protein trong nước tiểu.

Điều này báo hiệu mẹ bầu có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), nhiễm trùng thận hoặc bệnh thận mãn tính. 

Protein niệu phát triển vào giai đoạn gần cuối thai kỳ, có thể là dấu hiệu sớm của bệnh lý tiền sản giật.

Tình trạng này gây biến chứng đáng sợ cho cả mẹ và em bé.

Do vậy, thai phụ cần điều trị ngay lập tức để ngăn ngừa các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và quá trình sinh nở.

Bên cạnh đó, nếu phụ nữ mang thai bị protein niệu và có huyết áp bình thường, Bác sĩ có thể yêu cầu nuôi cấy nước tiểu, nhằm đánh giá liệu tình trạng nhiễm trùng có gây ra protein niệu hay không.

Mẹ bầu bị tiền sản giật nhẹ có thể được điều trị và theo dõi ngoại trú, nghỉ ngơi và nằm nghiêng trái để giảm huyết áp. 

Trong trường hợp tiền sản giật nặng không đáp ứng với điều trị hoặc xảy ra sản giật, các Bác sĩ có thể đề nghị chấm dứt thai kỳ với mọi tuổi thai. 

Xem thêm: Những xét nghiệm 3 tháng đầu thai kỳ mẹ bầu không nên bỏ qua

Thời điểm mẹ bầu cần xét nghiệm nước tiểu

Thời điểm mẹ bầu cần xét nghiệm nước tiểu
Thời điểm mẹ bầu cần xét nghiệm nước tiểu (Ảnh: olashi59 – freepik)

Xét nghiệm nước tiểu thường được thực hiện ngay trong lần khám thai đầu tiên. 

Thai phụ có thể làm xét nghiệm này thường xuyên trong quá trình khám thai định kỳ.

Đây là loại xét nghiệm đơn giản, không gây ra bất cứ rủi ro nào cho sức khỏe của mẹ và bé.

Cho nên, bạn hãy giữ tâm lý thoải mái và coi xét nghiệm như là cách kiểm tra sức khỏe tiêu chuẩn của bản thân.

Các bước thực hiện xét nghiệm nước tiểu

Thai phụ khi làm xét nghiệm nước tiểu sẽ được phát một cốc lấy mẫu cùng khăn lau tiệt trùng.

Quá trình tiến hành lấy mẫu:

  • Bước đầu tiên: Rửa tay thật sạch, sau đó dùng ngón tay để tách môi âm hộ và lau sạch từ trước ra sau.
  • Bước thứ hai: Đi tiểu trong vài giây vào bồn cầu và đặt cốc giữa dòng nước cho tới khi lấy đủ lượng mẫu được yêu cầu.

Mẫu nước tiểu sẽ được kiểm tra bằng cách cho vào đĩa petri, nhúng que thử đổi màu rồi so sánh kết quả với bảng đối chiếu để cho ra kết quả cuối cùng.

Một vài lưu ý khi xét nghiệm nước tiểu cho mẹ bầu

Một vài lưu ý khi xét nghiệm nước tiểu cho mẹ bầu
Một vài lưu ý khi xét nghiệm nước tiểu cho mẹ bầu (Ảnh: user20678629 – freepik)

Để đảm bảo có kết quả chính xác, mẹ bầu cần chú ý một số vấn đề sau:

  • Nhịn ăn, nhịn đi tiểu trước khi tiến hành xét nghiệm
  • Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục bằng nước ấm
  • Tránh sử dụng dung dịch tẩy rửa có tính kiềm hoặc axit mạnh vì sản phẩm có thể khiến môi trường âm đạo thay đổi
  • Không nên ăn các thực phẩm có màu đậm vì có thể làm cho nước tiểu đổi màu
  • Hạn chế tập thể dục quá sức trước khi xét nghiệm 
  • Tránh dùng bất cứ loại thuốc nào trước khi xét nghiệm 

Xét nghiệm máu và nước tiểu khi mang thai rất cần thiết

Tầm quan trọng của xét nghiệm máu và nước tiểu khi mang thai
Tầm quan trọng của xét nghiệm máu và nước tiểu khi mang thai (Ảnh: freepik)

Tóm lại, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé trong thời kỳ mang thai, Bác sĩ thường khuyên các mẹ bầu thực hiện một số xét nghiệm theo quy định, trong đó có xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu.

Trên đây là những thông tin mang tính tham khảo liên quan đến xét nghiệm máu và nước tiểu khi mang thai, cũng như tầm quan trọng của các xét nghiệm này đối với các mẹ bầu.

Vì thế, khi có thắc mắc, bạn nên liên hệ trực tiếp tới Bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hỗ trợ.

Tầm quan trọng của xét nghiệm máu và nước tiểu khi mang thai
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận