Máy xét nghiệm sinh hóa tự động có giá trị chẩn đoán cao và được sử dụng phổ biến tại các Phòng Xét nghiệm.
Qua bài viết này, chúng ta hãy cùng khám phá một số thông tin hữu ích về loại thiết bị xét nghiệm này nhé!
Máy xét nghiệm sinh hóa là gì?
Máy xét nghiệm sinh hóa còn được gọi là máy phân tích hóa học lâm sàng.
Thiết bị này được sử dụng để đo các chất chuyển hóa có trong các mẫu sinh học như máu hoặc nước tiểu.
Việc nghiên cứu các chất lỏng này có ích trong việc chẩn đoán nhiều bệnh lý.
Một ví dụ về việc sử dụng máy sinh hóa, là đo creatinin niệu để đánh giá khả năng lọc của thận.
Khi chọn máy phân tích sinh hóa, điều quan trọng là phải xem xét các yếu tố như: Có cần tự động hóa xét nghiệm hay không? Tính đặc hiệu của thuốc thử và mức độ chính xác của phép đo ra sao?
Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến công suất, tức là số test/giờ của máy sinh hóa. Đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định giá thành của loại thiết bị xét nghiệm này.
Máy xét nghiệm sinh hóa tự động có đặc điểm gì?
Có thể phân chia máy sinh hóa thành 3 dạng:
- Máy xét nghiệm sinh hóa bán tự động
- Máy xét nghiệm sinh hóa tự động
- Hệ thống máy xét nghiệm tích hợp
Đối với máy phân tích sinh hóa tự động (gồm cả máy tự động hoàn toàn và tự động không hoàn toàn), dung dịch chuẩn được pha tự động, các quy trình vận hành được điều khiển tự động, và việc tính toán, đo đạc cũng được thực hiện tự động trên nhiều mẫu cùng lúc.
Sau khi hóa chất được đưa vào ngăn chứa hóa chất của thiết bị, Kỹ thuật viên sẽ lấy mẫu bệnh phẩm, ly tâm rồi cho vào ngăn chứa. Tiếp theo, máy sinh hóa sẽ tự động thực hiện yêu cầu từ pha hóa chất đến ủ và xuất kết quả.
Xem thêm: Lấy mẫu máu xét nghiệm sinh hóa cần lưu ý những gì?
Cấu tạo của máy sinh hóa tự động
Thông thường, cấu tạo của các máy phân tích sinh hóa có 3 thành phần chính: nguồn sáng, bộ lọc bước sóng và bộ phát hiện quang.
Nguồn sáng
Đây là những chiếc đèn với dải sóng ánh sáng tương đối rộng.
Tùy thuộc vào bước sóng của phép đo, Kỹ thuật viên sẽ dùng các nguồn sáng khác nhau.
Bộ lọc bước sóng
Thành phần này có chức năng chọn một bước sóng cho mỗi xét nghiệm, sao cho loại bước sóng ấy có thể được truyền qua.
Bộ phát hiện quang
Nhờ bộ phát hiện quang, quá trình biến đổi tín hiệu quang nhận được khi ánh sáng đi qua cuvet chứa dung dịch cần đo chuyển thành tín hiệu điện.
Kết quả sau đó sẽ được hiển thị trên khối hiển thị. Tùy mỗi dòng máy sinh hóa, cách hiển thị sẽ khác nhau, như hiển thị dưới dạng chữ số, trên màn hình CRT hay màn hình LCD.
Nguyên lý hoạt động của máy xét nghiệm sinh hóa tự động
Phần lớn các loại máy phân tích hóa học lâm sàng hiện nay đều dùng phương pháp đo màu, nhằm xác định nồng độ chỉ số trong các bệnh phẩm.
Cuvet là vị trí để đưa dung dịch đo vào, và một nguồn ánh sáng trắng sẽ đi qua bộ lọc để nhận một bước sóng thích hợp cho dung dịch cần đo.
Tiếp đến, bộ phát hiện quang thu cường độ ánh sáng đi qua cuvet chuyển thành tín hiệu điện.
Từ tín hiệu điện này, máy sinh hóa tính toán chính xác và hiển thị kết quả xét nghiệm.
Cách sử dụng máy sinh hóa tự động
Sau đây là tuần tự các bước sử dụng máy sinh hóa để bạn tham khảo:
Đầu tiên, đọc kỹ các hướng dẫn cụ thể về cách dùng máy phân tích sinh hóa của nhà sản xuất.
Kế đến, khởi động máy sinh hóa và kiểm tra các bộ phận của máy.
Ở bước thứ ba, khởi động máy tính, nhấn nút ON để máy về chế độ sẵn sàng.
Tiếp đó, kiểm tra và bổ sung hóa chất, nếu có.
Bước cuối cùng là tiến hành phân tích mẫu.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo chia sẻ dữ liệu bệnh nhân một cách hiệu quả và bảo mật, nhiều máy xét nghiệm sinh hóa tự động và bán tự động có khả năng kết nối HIS/LIS. Việc đồng bộ dữ liệu này tạo điều kiện để các khoa lâm sàng nhận được kết quả hầu như ngay khi có kết quả từ máy xét nghiệm, đồng thời giúp lưu trữ và tra cứu kết quả xét nghiệm một cách dễ dàng.