Xét nghiệm CRP có vai trò quan trọng để xác định và đánh giá tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng. Hơn nữa, xét nghiệm này còn giúp theo dõi hiệu quả điều trị các tình trạng rối loạn tự miễn hoặc bệnh mạn tính.

Xét nghiệm CRP là gì?

Cách gọi khác của xét nghiệm CRP là xét nghiệm protein phản ứng C hay C-reactive protein (CRP)
Cách gọi khác của xét nghiệm CRP là xét nghiệm protein phản ứng C hay C-reactive protein (CRP) (Ảnh: Gustavo Fring – pexels)

Cách gọi khác của xét nghiệm CRP là xét nghiệm protein phản ứng C hay C-reactive protein (CRP).

CRP (C-reactive protein) là loại protein do gan tạo ra, có đặc điểm là kết hợp với polysaccharide C của phế cầu. 

CRP là một trong những protein được đưa vào máu để phản ứng với tình trạng viêm, do đó nó đóng vai trò là dấu hiệu ban đầu của nhiễm trùng và viêm.

Xét nghiệm protein phản ứng C là xét nghiệm định lượng CRP trong máu, đo mức độ viêm nói chung trong cơ thể. 

Nồng độ CRP bình thường rất thấp. 

Tuy nhiên, khi có sự phá hủy mô cùng viêm trong cơ thể, CRP trong máu tăng nhanh trong vòng 6-8 tiếng. 

Nồng độ CRP sẽ giảm xuống khi tình trạng viêm hoặc tổn thương mô được giải quyết. 

Vì lý do đó, mặc dù CRP là một chỉ số không đặc hiệu của tình trạng viêm, đây vẫn là một dấu hiệu hữu ích để theo dõi mức độ nghiêm trọng của bệnh lý.

Các loại xét nghiệm protein phản ứng C 

Có hai xét nghiệm để định lượng CRP:

  • Kiểm tra CRP tiêu chuẩn
  • Xét nghiệm protein phản ứng C độ nhạy cao (hs-CRP)

Hai phương pháp này có mục đích và phạm vi đo CRP trong máu khác nhau:

Xét nghiệm CRP tiêu chuẩn 

  • Đo CRP từ 8 đến 1000 mg/L (hoặc 0,8 đến 100 mg/dL)
  • Được chỉ định cho người đang có tình trạng viêm nặng như nhiễm trùng hoặc các bệnh mạn tính

Xét nghiệm hs-CRP 

  • Đo CRP trong khoảng từ 0,3 đến 10 mg/L
  • Thường được chỉ định để dự đoán nguy cơ tim mạch tiềm ẩn 

Xét nghiệm protein phản ứng C được chỉ định trong trường hợp nào?

Xét nghiệm protein phản ứng C được chỉ định trong trường hợp nào?
Xét nghiệm protein phản ứng C được chỉ định trong trường hợp nào? (Ảnh: Anna Shvets – pexels)

Đây là một xét nghiệm không thể thiếu trong chẩn đoán các tình trạng gây viêm, gồm:

  • Viêm ruột
  • Nhiễm khuẩn nghiêm trọng ở phổi, đường tiết niệu, đường tiêu hóa, da và các vị trí khác, có hoặc không có nhiễm trùng máu
  • Ung thư hạch bạch huyết
  • Rối loạn tự miễn (như lupus, viêm khớp dạng thấp)
  • Nhiễm trùng xương 
  • Các bệnh mạn tính

Đối với tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh mạn tính đã được chẩn đoán, xét nghiệm protein phản ứng C thường được lặp lại nhằm đánh giá hiệu quả điều trị. Mức độ CRP giảm cho biết rằng việc điều trị đang đi đúng hướng.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh mức độ viêm thấp nhưng kéo dài có liên quan tới bệnh xơ vữa động mạch và cholesterol cao – yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.

Qua xét nghiệm hs-CRP, Bác sĩ có thể đưa ra phương án điều trị và giảm thiểu rủi ro bị đau tim và đột quỵ.

Ngoài ra, xét nghiệm CRP cũng được chỉ định sau khi bệnh nhân trải qua phẫu thuật. Mức CRP tăng sau phẫu thuật và dần giảm xuống mức bình thường, trừ khi có nhiễm trùng hậu phẫu.

Xem thêm: Các loại xét nghiệm sinh học phân tử thường được sử dụng

Thực hiện xét nghiệm CRP như thế nào?

Sau khi lấy máu đường tĩnh mạch, mẫu máu sẽ được phân tích ở Phòng Xét nghiệm.

Xét nghiệm CRP không yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm. 

Tuy vậy, trong một số trường hợp, Bác sĩ có thể yêu cầu kiêng ăn từ 6-8 tiếng trước đó.

Kết quả xét nghiệm protein phản ứng C có ý nghĩa gì?

Kết quả xét nghiệm protein phản ứng C có ý nghĩa gì?
Kết quả xét nghiệm protein phản ứng C có ý nghĩa gì? (Ảnh: Thirdman – pexels)

Chỉ số CRP bình thường

Ở những người không bị viêm nhiễm, chỉ số CRP bình thường đạt dưới 0.3mg/100ml (3mg/l) huyết thanh hoặc 7 – 820 mcg%.

Chỉ số CRP tăng 

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy mức CRP trong máu cao, có thể đang có tình trạng viêm trong cơ thể. 

Tuy nhiên, chỉ với xét nghiệm C-reactive protein, chưa thể xác định nguyên nhân hoặc vị trí viêm. 

Vì vậy, cần kết hợp cùng một số xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân gây viêm.

Cần nói thêm rằng, mức CRP cao hơn bình thường không nhất thiết là người được làm xét nghiệm đang có vấn đề sức khỏe cần điều trị, mà có thể họ thuộc các trường hợp sau:

  • Béo phì và lười vận động
  • Hút thuốc lá
  • Phụ nữ ở giai đoạn sau của thai kỳ
  • Đang sử dụng thuốc tránh thai, hoặc các liệu pháp bổ sung estrogen và progesterone 

Sau khi vận động hoặc sử dụng một số loại thuốc, mức CRP có thể giảm xuống.

Chỉ số CRP giảm

Chỉ số CRP giảm đồng nghĩa với tình trạng viêm nhiễm giảm, sức khỏe của bệnh nhân tốt hơn.

Chỉ số CRP liên quan đến vấn đề về tim mạch

Chỉ số CRP liên quan đến vấn đề về tim mạch
Chỉ số CRP liên quan đến vấn đề về tim mạch (Ảnh: Karolina Grabowska – pexels)
  • Chỉ số CRP < 1.0 mg/L: Bệnh nhân ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. 
  • Chỉ số CRP từ 1.0 – 3.0 mg/L: Bệnh nhân có khả năng mắc bệnh tim mạch.
  • Chỉ số CRP > 3.0 mg/L: Bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.

Nếu gia đình bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tim mạch, xét nghiệm CRP giúp phát hiện bệnh sớm, trước khi những yếu tố nguy cơ biểu hiện. 

Từ đó, Bác sĩ dễ dàng đánh giá được tình trạng của bệnh nhân và đưa ra quyết định có thực hiện phẫu thuật hay không.

Lời kết

Tóm lại, xét nghiệm protein phản ứng C giúp đánh giá tình trạng viêm trong cơ thể. 

Hiện nay, phương pháp xét nghiệm này có ý nghĩa đặc biệt trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan tới nhiễm trùng.

Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung về xét nghiệm CRP được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng liên hệ Nhân viên Y tế để được tư vấn.

Xét nghiệm CRP thường được chỉ định khi nào?
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận