Bơi lội nhiều ở môi trường không sạch là nguyên nhân hàng đầu gây viêm ống tai ngoài. Khi bị nước vào ống tai, ẩm ướt là môi trường rất thuận lợi để vi khuẩn và nấm trú ngụ, phát triển gây nhiễm trùng ống tai.
Viêm ống tai ngoài, làm sao để nhận biết?
Khi thấy các dấu hiệu dưới đây ở tai của con, cha mẹ cần biết để chữa trị kịp thời cho trẻ:
– Đau tai là thường gặp nhất, đau tăng lên nếu kéo nhẹ vành tai bé, trường hợp nặng hơn có thể đẩy lồi vành tai ra trước hoặc sưng 1 bên mặt. Vành tai của trẻ cũng có thể sưng và hơi đỏ.
– Ngứa tai, đặc biệt nguyên nhân do nấm.
– Chảy mủ tai rất dễ nhầm lẫn với viêm tai giữa thủng nhĩ, dịch mủ mùi hôi, có thể đục hoặc xanh vàng.
– Trẻ lớn có thể cảm nhận tai bị đầy, ù ù như mắc gì đó trong tai, số ít có thể nghe kém.
– Sốt là triệu chứng ít gặp hơn, thường sốt nhẹ và nếu như trẻ bị nặng, không được điều trị phù hợp gây biến chứng nhiễm khuẩn nặng hơn.
Nguyên nhân khiến trẻ hay bị viêm ống tai
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị viêm ống tai, đó là:
– Bơi lội nhiều ở môi trường không sạch là tác nhân hàng đầu gây viêm ống tai ngoài, khi bị nước vào ống tai, ẩm ướt là môi trường rất thuận lợi để vi khuẩn và nấm trú ngụ, phát triển và gây nhiễm trùng ống tai. Thói quen tắm ao hồ càng dễ bệnh hơn, các ao hồ thường có mật độ vi khuẩn cao hơn hồ bơi.
– Lấy ráy tai không đúng cách: Ráy tai bảo vệ tai khỏi bị nấm và vi khuẩn xâm nhập, nhiều người thường xuyên ngoáy tai bằng dụng cụ cứng làm mất đi quá nhiều lớp bảo vệ này, đồng thời gây kích ứng lớp da nhạy cảm của ống tai lại càng ngứa và ngoáy nhiều.
– Dị vật ống tai: Trẻ em hay đút các đồ chơi vào tai, mũi làm xước xát và gây nhiễm trùng tại chỗ. Nhiều mẹ cố gắng lấy dị vật ra bằng móc hoặc tăm bông vô tình đẩy sâu vào gây tổn thương nặng hơn.
– Cơ địa bị chàm, bệnh vẩy nến hoặc các bệnh da khác làm tăng nguy cơ viêm ống tai trong mùa hè nóng bức.
– Hóa chất: Các hóa chất trong keo xịt tóc, thuốc nhuộm có thể làm ống tai bị tổn thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
– Các trẻ khiếm thính cần dùng máy trợ thính cũng dễ bị viêm ống tai hơn trẻ khỏe mạnh khác.
Xem thêm: 11 thắc mắc về trẻ nhiễm adenovirus bố mẹ nên biết
Làm sao nào để không bị viêm ống tai khi đi bơi?
Trẻ thường xuyên bơi lội nhưng vệ sinh tai không tốt rất hay bị viêm ống tai ngoài, cách quan trọng nhất là:
- Không để nước bị đọng lại trong tai, giữ tai khô khoáng để không có môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển.
- Đeo nút bịt tai hoặc mũ bơi để tránh nước vào tai.
- Khi gội đầu, hãy đặt bông gòn vào ống tai để giảm lượng nước vào trong tai.
- Dùng khăn mềm để lau phần ngoài và thấm khô nước trong ống tai sau khi tắm hoặc bơi lội, nếu nước nhiều có thể làm khô bằng bấc sâu kèn.
- Xả nước khỏi ống tai bằng cách nghiêng đầu về từng bên kết hợp kéo nhẹ dái tai theo các hướng khác nhau, nước sẽ được kéo ra nhanh tốt hơn.
- Có thể dùng máy sấy tóc để làm khô tóc và nước ở trong tai, nên dùng ở mức độ quạt và nhiệt ở mức độ thấp nhất, để xa ống tai khoảng 5-7 cm để tránh nguy cơ bỏng tai và chấn thương màng nhĩ.
- Cần tránh các nơi ao hồ hoặc hồ bơi có nước không đảm bảo, không nhét đồ vật gì vào tai và vệ sinh sạch máy trợ thính nếu có trước khi sử dụng.
Theo suckhoedoisong.vn