Sức khỏe là vốn quý mà mỗi người đều cần có trách nhiệm chăm sóc, gìn giữ. Vì thế, việc khám sức khỏe định kỳ rất quan trọng nhằm kiểm tra và tầm soát về tình trạng sức khỏe. Đồng thời, khi khám sức khỏe, chúng ta còn dự đoán trước các yếu tố nguy cơ bệnh lý có thể sẽ mắc phải.
Dưới đây là một số xét nghiệm thường quy phổ biến khi đi khám sức khỏe.
Xét nghiệm công thức máu toàn bộ
Xét nghiệm này còn được gọi là CBC hay huyết đồ, là xét nghiệm máu được thực hiện nhiều nhất.
Công thức máu toàn bộ đo các loại và số lượng tế bào trong máu, bao gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
Xét nghiệm máu toàn bộ được sử dụng để xác định tình trạng sức khỏe chung của một người. Thêm nữa là giúp tầm soát các rối loạn và đánh giá tình trạng dinh dưỡng.
Khi thực hiện xét nghiệm CBC, người bệnh có thể được đánh giá các triệu chứng như mệt mỏi, suy nhược và bầm tím.
Loại xét nghiệm này còn giúp chẩn đoán các tình trạng thiếu máu, bệnh bạch cầu, sốt rét và nhiễm trùng.
>> Xem thêm: Tìm hiểu về xét nghiệm công thức máu toàn bộ
Xét nghiệm Thời gian Prothrombin
Xét nghiệm Thời gian Prothrombin (các tên gọi tiếng Anh là Prothrombin Time, PT và Pro Time) dùng để đo thời gian máu đông.
Xét nghiệm PT đo sự hiện diện và hoạt động của năm yếu tố đông máu khác nhau.
Xét nghiệm kiểm tra quá trình đông máu này có thể sàng lọc các bất thường về chảy máu.
Hơn nữa, nó cũng có thể được sử dụng để theo dõi các phương pháp điều trị bằng thuốc ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
Bảng trao đổi chất cơ bản (BMP)
BMP – Bảng chuyển hóa cơ bản là xét nghiệm đo glucose, natri, kali, canxi, clorua, carbon dioxide, nitơ urê máu và creatinine.
BMP giúp xác định mức đường trong máu, cân bằng điện giải, lượng chất lỏng trong cơ thể cũng như chức năng thận.
BMP được bác sĩ sử dụng để theo dõi ảnh hưởng của các loại thuốc bạn đang dùng (chẳng hạn như thuốc cao huyết áp) hay chẩn đoán một số tình trạng sức khỏe nhất định.
Mặt khác, BMP có thể là một phần trong buổi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bệnh nhân nên nhịn ăn từ 8-12 giờ trước khi thực hiện BMP, nhằm đảm bảo kết quả chính xác.
Bảng chuyển hóa toàn diện (CMP)
Cũng nằm trong danh mục các xét nghiệm thường quy là Panel chuyển hóa toàn diện.
Đây là sự kết hợp giữa Panel trao đổi chất cơ bản với sáu xét nghiệm khác.
Mục đích của việc tiến hành CMP là để đánh giá toàn diện hơn các chức năng trao đổi chất, tập trung vào các hệ thống cơ quan.
Xét nghiệm mỡ máu (Lipid Panel)
Xét nghiệm mỡ máu được sử dụng để đánh giá nguy cơ mắc những bệnh liên quan tới rối loạn chuyển hóa mỡ máu, bao gồm chứng nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch.
Đây là xét nghiệm kiểm tra các chỉ số quan trọng của 2 loại chất béo: cholesterol và triglyceride (chất béo trung tính).
Bảng chức năng gan (Liver Panel)
Bảng chức năng gan là sự kết hợp của các xét nghiệm được dùng để đánh giá chức năng gan, và xác định liệu có sự hiện diện của khối u gan hay không.
Xét nghiệm TSH
TSH là viết tắt của từ Thyroid Stimulating Hormone – Hoóc môn kích thích tuyến giáp.
Vậy nên, hiểu đơn giản thì xét nghiệm TSH nhằm kiểm tra và theo dõi chức năng của tuyến giáp.
Xét nghiệm HbA1C
Xét nghiệm HbA1C có nhiều cách gọi khác như xét nghiệm Hemoglobin A1C, xét nghiệm A1C, xét nghiệm Glycohemoglobin, xét nghiệm Hemoglobin Glycated.
Đây là xét nghiệm máu được chỉ định để kiểm tra mức độ ổn định của lượng đường trong máu ở bệnh nhân đái tháo đường.
Ngoài ra, xét nghiệm Hemoglobin A1C còn giúp chẩn đoán ban đầu bệnh tiểu đường tuýp 2.
Phân tích nước tiểu
Đây là xét nghiệm nhằm kiểm tra các thành phần khác nhau của nước tiểu, nhằm đánh giá chức năng thận, kiểm tra nhiễm trùng đường tiểu, đánh giá tổn thương thận,…
Xét nghiệm sàng lọc tổng quát này được sử dụng phổ biến để kiểm tra sức khỏe tổng thể, chẩn đoán bệnh lý, để theo dõi bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận.
Xét nghiệm nuôi cấy
Xét nghiệm nuôi cấy là một loại xét nghiệm vi sinh, được sử dụng để chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng nhờ độ đặc hiệu cao.
Xét nghiệm này có thể phát hiện và xét nghiệm các bệnh: viêm phổi, viêm họng, nhiễm trùng đường tiết niệu, MRSA (Nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin) và viêm màng não,… Từ đó giúp bác sĩ có thể đưa ra cách điều trị kháng sinh phù hợp.
Hy vọng nội dung về những xét nghiệm thường quy phổ biến nêu trên hữu ích cho quý độc giả!
(Nguồn tham khảo: martinhealth.org)
Pingback:10 loại xét nghiệm kiểm tra cần thiết cho phụ nữ - TPH Solutions