Công dụng các loại vacxin không phải là để hoàn toàn miễn nhiễm Covid-19.
Điểm danh 6 loại vacxin phòng Covid-19 đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam
Tới nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 6 loại vacxin phòng Covid-19 được sử dụng tại Việt Nam, đó là:
Vacxin AstraZeneca
Đây là vacxin do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất, đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đến hiện tại, vacxin AstraZeneca đã được sử dụng tại 119 quốc gia, tổng số liều đã tiêm là khoảng 980 triệu liều.
Vacxin AstraZeneca đã được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, và hiện có số lượng sử dụng nhiều nhất tại nước ta.
Vacxin Comirnaty
Vacxin Comirnaty của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đến nay, khoảng 850 triệu liều vacxin này đã được sử dụng tại 97 quốc gia.
Vacxin Comirnaty đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tính đến đầu tháng 8/2021, Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 746.460 liều vacxin Covid-19 của Pfizer/BioNTech và đang triển khai tiêm chủng.
Vacxin Spikevax (Còn gọi là: Vacxin Moderna)
Vacxin Spikevax do công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) sản xuất, đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hiện có 63 quốc gia sử dụng loại vacxin này với khoảng 340 triệu liều đã được tiêm.
Vacxin Moderna cũng đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.
Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 5.000.100 liều vacxin Moderna do Chính phủ Mỹ viện trợ thông qua COVAX Facility và đang triển khai tiêm chủng.
Vacxin Gam-Covid-Vac (Tên khác: Vacxin Sputnik V)
Vacxin Sputnik V do Viện Nghiên cứu Gamaleya (Nga) sản xuất.
Vacxin này được cấp phép sử dụng tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, và đã tiêm khoảng 85 triệu liều tại 49 quốc gia.
Vacxin Gam-Covid-Vac đã được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.
Vào giữa tháng 3/2021 và ngày 01/08/2021, nước ta đã tiếp nhận tổng cộng 12.000 liều vacxin Sputnik V do Chính phủ Liên bang Nga viện trợ.
Vacxin Vero Cell của Sinopharm
Vero Cell là vacxin do Sinopharm phát triển và Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd.,- Trung Quốc sản xuất.
Vacxin này đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay, vacxin Vero Cell được sử dụng tại 59 quốc gia với khoảng 800 triệu liều đã được đưa vào tiêm chủng.
Ngày 3/06/2021, vacxin của Sinopharm được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp.
Nhờ Chính phủ Trung Quốc viện trợ, nước ta đã tiếp nhận 500.000 liều vacxin Vero Cell và triển khai tiêm phòng Covid-19 bắt đầu từ tháng 7/2021.
Vacxin Janssen
Vacxin Janssen do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất.
Đã có 56 quốc gia, vùng lãnh thổ cấp phép sử dụng, trong đó 34 quốc gia đã sử dụng vacxin Janssen và khoảng 60 triệu liều đã được tiêm.
Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện vacxin cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19 đối với vacxin Janssen. Hiện nay, nước ta chưa tiếp nhận vacxin này.
Như vậy, các vacxin AstraZeneca, Gam-Covid-Vac, Vero Cell, Moderna, Comirnaty, Janssen đều đã được Bộ Y tế nước ta phê duyệt sử dụng có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.
5 trong 6 loại vacxin nêu trên, ngoại trừ vacxin Gam-Covid-Vac, đã được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp.
Tất cả các loại vacxin phòng ngừa Covid-19 được Bộ y tế phê chuẩn lưu hành tại Việt Nam đều đã được Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm Y tế kiểm định an toàn cho người sử dụng và có hiệu quả cao trong việc đề phòng lây nhiễm virus SARS-CoV-2, cũng như giảm triệu chứng nặng của bệnh khi mắc Covid-19.
>> Xem thêm: Tìm hiểu về các loại vắc xin phòng Covid-19
Công dụng các loại vacxin phòng Covid-19
Không ít người vẫn nghĩ rằng sau khi tiêm phòng thì sẽ không bị nhiễm Covid-19 nữa.
Tuy nhiên, khi hiểu rõ công dụng của vacxin ngừa Covid-19, chúng ta sẽ biết điều đó không chính xác.
Các loại vacxin Covid-19 làm giảm tỷ lệ lây lan virus SARS-CoV-2
Theo TS, BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vacxin phòng Covid-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì, bởi sau khi tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng. Thêm nữa là mức độ bảo vệ sau tiêm mũi 1 rất thấp.
Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở lên,vacxin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và mức hiệu quả này cũng chỉ đạt khoảng 60% – 90%, tùy theo loại vacxin.
Ngoài ra, khi đã tiêm vacxin, chúng ta có thể không mắc bệnh Covid-19, nhưng vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác. Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm thứ cấp hầu như không có, tỷ lệ lây truyền virus sẽ được hạn chế xuống thấp nhất.
Vacxin Covid-19 giúp giảm mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh
Bác sĩ Leong Hoe Nam, Chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena khẳng định “Tiêm chủng giúp chuyển từ bệnh nặng thành bệnh nhẹ, và từ bệnh nhẹ thành bệnh không triệu chứng”.
Khi bạn tiêm đủ 2 mũi vacxin, bạn vẫn sẽ có nguy cơ mắc virus SARS-CoV-2, nhưng các biểu hiện của bệnh sẽ nhẹ đi rất nhiều.
Do đó, bạn tránh khỏi tình trạng rơi vào thể nặng và phải nhập viện.
Nhờ việc triển khai tiêm chủng đại trà vacxin, tỷ lệ tử vong khi mắc Covid-19 sẽ được kéo giảm đáng kể.
Vậy nên, dù hiệu lực bảo vệ của vacxin không phải là tuyệt đối, chúng ta đều nên tiêm phòng vì đó là quyền lợi đối với bản thân, là trách nhiệm đối với cộng đồng.
Khuyến cáo phòng chống dịch bệnh Covid-19
Chiến dịch tiêm vacxin phòng Covid-19 cho trên 70% người dân, tiến tới tạo miễn dịch cộng đồng vẫn đang được ráo riết thực hiện.
Tuy vậy, để việc phòng, chống dịch bệnh phát huy hiệu quả, chúng ta không chỉ tham gia tiêm vacxin Covid-19, mà còn cần chú ý thực hiện khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế, đặc biệt là trong quá trình tiêm chủng.
“5K” rất dễ nhớ:
- Một là Khẩu trang
- Hai là Khử khuẩn
- Ba là Khoảng cách
- Bốn là Không tập trung đông người
- Năm là Khai báo Y tế
Mong rằng nội dung này đã giúp quý độc giả hiểu rõ hơn về công dụng các loại vacxin ngừa Covid-19. Chúng ta hãy cùng nhau chủ động thực hiện 5K và tiêm vacxin, để đẩy lùi Cô Vy nhé!
(Nguồn tham khảo: moh.gov.vn, vnexpress.net, soyt.langson.gov.vn)
Pingback:Cơn bão Cytokine trong Covid-19 - TPH Solutions
Pingback:Biến thể Omicron: Những điều đã biết và chưa biết - TPH Solutions