Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn bùng phát trên khắp thế giới. Ngay ở thời điểm này, cả nước ta cũng đang quyết liệt ứng phó với nguy cơ dịch lan rộng phức tạp.
Tình hình Covid-19 hiện nay trên thế giới
Ngày 31/1/2020, WHO đã công bố dịch bệnh Covid-19 là Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC).
Tính tới ngày 11/5, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã xấp xỉ 160 triệu ca bệnh, trong đó hơn 3,3 triệu người không qua khỏi (số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info).
Dịch Covid-19 đã xuất hiện và lây lan ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. 5 nước có số ca nhiễm cao nhất lần lượt là Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Gần đây, “tâm chấn” đại dịch thu hút sự quan tâm của cả thế giới là Ấn Độ. Số ca mắc mới mỗi ngày tại quốc gia này hiện ở mức “kỷ lục”, khiến tình trạng bùng phát dịch tại các nước láng giềng như Nepal, Bangladesh, Sri Lanka cũng hết sức đáng báo động.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, WHO đã cấp phép sử dụng cho vaccine ngừa Covid-19 của các hãng Pfizer-BioNTech, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Moderna.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định thế giới phải tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19, để giảm sự lây lan của vi-rút gây ra đại dịch. Mỹ đang tìm cách hỗ trợ công cuộc này nhiều hơn. Theo ông, nếu thế giới không nỗ lực hơn nữa thì đến năm 2024, quá trình tiêm chủng cho mọi người trên toàn cầu sẽ không thể hoàn tất.
Tình hình Covid-19 hiện nay ở Việt Nam
Theo Bộ Y tế, từ 27/04/2021 đến trưa 11/05/2021, số ca lây nhiễm trong nước ta đã lên tới 502. Dịch đã lan rộng ra 25 tỉnh thành ở cả 3 miền và vẫn tiếp tục diễn biến khó lường.
Bộ GD&ĐT có sự điều chỉnh kế hoạch dạy học ở các địa phương. Qua đó, 24 tỉnh, thành đã cho học sinh nghỉ học để ứng phó với tình hình dịch bệnh.
Nhiều địa phương dừng hoạt động không thiết yếu và tiến hành giãn cách xã hội: Hải Phòng, Quảng Ngãi, Nghệ An, Cà Mau,….
Từ đầu tháng 05/2021, TP.HCM cho tạm dừng hoạt động phòng gym, yoga, tiệm game, tiệc cưới, massage, xông hơi, rạp phim,… Tạm dừng các sự kiện tập trung trên 30 người ở khu vực công cộng.
Theo chỉ đạo Thủ tướng, người dân buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và nghiêm túc thực hiện 5K để tạo “lá chắn” đẩy lùi dịch Covid-19.
Cách phòng chống Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” – Vì thế, để cả nước chống Covid-19 thành công, rất cần sự phối hợp, tinh thần tự giác của mọi người dân khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Dưới đây là những cách phòng, chống dịch Covid-19 đơn giản mà hiệu quả, được Bộ Y tế khuyến cáo:
Thường xuyên rửa sạch tay
Bạn cần rửa tay đúng cách với xà phòng và nước sạch trong tối thiểu 30 giây. Hoặc khử khuẩn đôi bàn tay bằng dung dịch sát khuẩn y tế có chứa cồn (ít nhất là 60% cồn etylic).
Đừng quên thực hiện việc này sau khi ho, hắt hơi, tháo khẩu trang. Và nhất là sau khi tiết xúc với dịch mũi, họng của người bệnh hoặc người nghi ngờ nhiễm bệnh nhé!
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh/nghi ngờ nhiễm bệnh
Virus SARS-CoV-2 dễ dàng lây từ người qua người thông qua tiếp xúc gần. Do vậy, bạn cần tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.
Trong trường hợp phải tiếp xúc với các trường hợp kể trên, cần đeo khẩu trang kín mũi, miệng, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét hoặc thực hiện cách ly y tế (nếu cảm thấy cần thiết).
Khử khuẩn nơi ở, nơi làm việc
Các bề mặt tay nắm cửa, bàn ghế,… là nơi virus SARS-CoV-2 dễ bám lại rất lâu. Nếu chạm tay vào những bề mặt có chứa virus rồi sờ lên mũi, miệng hoặc mắt, nghĩa là chúng ta rất có khả năng nhiễm Covid-19.
Dù nguy cơ lây nhiễm qua con đường này ở mức thấp, nhưng chúng ta có thể ngăn chặn triệt để khả năng nhiễm bệnh bằng cách lau chùi, trử trùng không gian sinh hoạt, mở cửa sổ thay vì sử dụng điều hòa.
Hạn chế tụ tập đông người
Chúng ta cần hạn chế tập trung đông người, đặc biệt là không nên đi tới vùng đang có dịch. Nguyên nhân là việc này làm gia tăng nguy cơ phơi nhiễm, lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Chủ động đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng
Chú ý thực hiện thêm những biện pháp sau đây, bạn sẽ chẳng những đảm bảo sức khỏe của bản thân mà còn góp phần bảo vệ an toàn cho mọi người xung quanh:
- Hạn chế chạm tay lên mũi, mắt và miệng
- Không khạc nhổ bừa bãi
- Kiểm tra thân nhiệt mỗi ngày để kịp thời phát hiện triệu chứng sốt (nếu có)
- Giữ ấm cơ thể, tập thể dục thể thao đều đặn, ăn chín uống sôi và đảm bảo dưỡng chất nhằm tăng cường sức đề kháng
- Che mũi, miệng bằng khuỷu tay hoặc khăn khi hắt hơi hoặc ho, sau đó bỏ khăn vào thùng rác có nắp hoặc giặt sạch khăn vải để tái sử dụng
- Súc họng bằng nước muối thường xuyên
Thực hiện khai báo y tế
Trong trường hợp mới nhập cảnh vào Việt Nam, xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Covid-19 gây ra (ho, sốt, khó thở,v.v.), hoặc đã từng tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh, cần nhanh chóng khai báo y tế. Cơ quan y tế sẽ tiến hành xét nghiệm y tế để kiểm tra sức khỏe của bạn và cách ly nếu cần thiết.
Thường xuyên cập nhật thông tin về Covid-19
Việc tự trang bị thông tin, kiến thức chính xác về đại dịch thông qua các nguồn tin chính thống cũng quan trọng không thua hành động thực tế.
Từ đó, chúng ta sẽ biết cách bảo vệ sức khỏe cho mình, cho người thân và thực hiện phòng, chống Covid-19 một cách khoa học.
Mỗi người trong chúng ta cần giữ vững tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Không nên lơ là thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 để sớm đẩy lùi dịch bệnh.