Xét nghiệm máu tổng quát là một xét nghiệm thường quy có thể giúp phát hiện bệnh trước khi khởi phát triệu chứng. Nhờ vậy, chúng ta không những đánh giá được tình trạng sức khỏe hiện tại, mà còn có thể điều trị bệnh ngay từ sớm.
Xét nghiệm máu tổng quát là gì?
Xét nghiệm máu (xét nghiệm huyết học) là xét nghiệm mẫu máu để đo hàm lượng một số định chất có trong máu, hoặc đếm các loại tế bào máu.
Phương pháp xét nghiệm máu này thường được chỉ định trong nhiều trường hợp khám chữa bệnh.
Xét nghiệm máu định kỳ là cách hữu hiệu để phát hiện các bệnh thường gặp. Loại xét nghiệm này được sử dụng khi khám sức khỏe tổng quát, tầm soát sớm các bệnh lý, khám sức khỏe tiền hôn nhân,…
Xét nghiệm máu tổng quát gồm những gì?
Để xét nghiệm máu, nhân viên y tế sẽ trích 4-8 mililit (mL) từ tĩnh mạch của bạn và đưa đến phòng xét nghiệm chuyên dụng.
Về cơ bản, xét nghiệm máu tổng quát gồm các mục:
- Xét nghiệm công thức máu (còn gọi là xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi)
- Xét nghiệm đường huyết
- Xét nghiệm mỡ máu
- Xét nghiệm chức năng gan
- Xét nghiệm chức năng thận
Xét nghiệm máu tổng quát biết được bệnh gì?
Thông qua xét nghiệm máu, bạn sẽ biết tình hình sức khỏe của mình với mục tiêu tầm soát.
Đồng thời, bạn phát hiện được nhiều bệnh lý phổ biến: thiếu máu, suy giảm chức năng thận, tăng mỡ máu, tăng men gan, tăng axit uric, nhiễm trùng máu, ung thư máu, các bệnh lây qua đường máu, đường tình dục gồm viêm gan B, viêm gan C,…
Nếu kết quả xét nghiệm bất thường, bạn sẽ được bác sĩ tư vấn thêm. Ngoài ra, bạn còn có thể được chỉ định làm các xét nghiệm nâng cao, như xét nghiệm máu chuyên sâu, chụp X-quang, siêu âm,…
>> Xem thêm: Phần mềm quản lý Khoa Xét nghiệm TPH.LabIMS
Vì sao nên xét nghiệm máu tổng quát định kỳ?
Xét nghiệm máu tổng quát thể hiện trách nhiệm bảo vệ sức khỏe bản thân của mỗi người. Tuy nhiên, đa số người dân nước ta vẫn chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ nói chung, và xét nghiệm máu nói riêng.
Mọi người thường nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Phòng bệnh lúc nào cũng nhẹ nhàng, dễ dàng hơn việc chữa trị.
Nếu muốn phòng bệnh hiệu quả, bạn không nên “đánh giá cuốn sách qua trang bìa”. Bởi đôi khi thông qua khám sức khỏe, xét nghiệm máu, bạn mới nhận ra bệnh lý nghiêm trọng vừa chớm phát triển, chưa thể hiện ra triệu chứng điển hình bên ngoài.
Hằng năm, không ít người phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức dành cho việc chạy chữa, vì phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Lúc đó, không những khả năng khỏi bệnh giảm thấp, mà chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Rõ ràng, để phát hiện sớm tình trạng bệnh, không chỉ nên dựa vào may mắn. Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động thực hiện việc ấy bằng các xét nghiệm định kỳ.
Không chỉ vậy, xét nghiệm máu dự đoán sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, giúp chúng ta điều chỉnh lối sống, chế độ dinh dưỡng kịp thời. Nhờ vậy, sức khỏe được tăng cường để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Nên lưu ý gì khi xét nghiệm máu?
Những người có nhu cầu xét nghiệm máu tổng quát nên lưu ý một số điều sau:
Buổi sáng là thời điểm tốt nhất để lấy máu xét nghiệm.
Trong khoảng 8-12 giờ đồng hồ trước khi lấy máu, bệnh nhân cần tránh uống nước ngọt, nước hoa quả, sữa, cà phê, rượu,…
Lý do là vì các chất trong đồ ăn, thức uống chuyển hóa thành đường glucose, sẽ làm sai lệch các chỉ số sinh hóa máu của một số xét nghiệm liên quan đến đường huyết, mỡ máu. Trong trường hợp đó, bạn cần thông báo cho nhân viên y tế nếu lỡ ăn, uống các món chứa đường trước khi lấy máu.
Sau khi lấy máu xét nghiệm, bạn có thể ăn uống bình thường.
Không nên uống thuốc trước khi làm xét nghiệm máu. Tuy vậy, người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim… vẫn có thể uống thuốc, đồng thời tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo kết quả xét nghiệm đúng.
Khi xét nghiệm máu, bạn vẫn có thể uống nước lọc để đảm bảo cơ thể không bị mất nước. Nước lọc bình thường sẽ không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm của bạn.
Tuy nhiên, đối với một số loại xét nghiệm máu nhằm chẩn đoán bệnh Alzheimer, HIV, suy thận, cường giáp,… thì người bệnh không cần nhịn đói trước khi lấy máu.
Nên xét nghiệm máu tổng quát bao lâu 1 lần?
Theo các chuyên gia y tế, người khỏe mạnh cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu trung bình 6 – 12 tháng/lần.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định lịch kiểm tra xét nghiệm với tần suất thường xuyên hơn hoặc thưa hơn tùy theo tình trạng sức khỏe hiện tại của từng cá nhân.
Hơn nữa, việc xét nghiệm máu định kỳ bao lâu 1 lần còn tùy thuộc vào môi trường làm việc, độ tuổi, tiền sử sức khỏe gia đình.
Những người thường hút thuốc lá, uống rượu bia, ít vận động, có tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc các bệnh lý như ung thư, tim mạch,… đều có nguy cơ mắc bệnh cao.
Do đó, những đối tượng này nên xét nghiệm máu thường xuyên hơn, để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe.
Mong rằng nội dung được cung cấp ở trên đã giúp bạn đọc biết thêm nhiều thông tin hữu ích về xét nghiệm máu tổng quát.
(Nguồn tham khảo: vinmec.com)