Nhiều người không khỏi thắc mắc lý do khiến hình tượng con rắn trở thành biểu tượng ngành Y. 

Chẳng phải có nhiều loài rắn độc đến mức bất kỳ loài vật nào cũng nên tránh xa hay sao? Vậy thì biểu tượng con rắn trong Y học có ý nghĩa như thế nào?

Chúng ta có thể tìm hiểu về chủ đề thú vị này qua thần thoại Hy Lạp cổ đại.

Vì sao các biểu tượng con rắn thường thấy trong ngành Y?

Trên thực tế, chúng ta thường thấy có hai phiên bản gần giống nhau như sau:

Cây gậy của thần Hermes 

Phiên bản có cánh gồm hai con rắn quấn quanh một cây gậy. Đây chính là Caduceus – cây gậy trên tay thần Hy Lạp Hermes (hay tên La Mã là Mercury) trên đỉnh Olympus. 

Cây gậy của thần Hermes

Hermes mang mũ và đôi giày có cánh, tay cầm gậy, là sứ giả truyền tin từ các vị thần đến con người. Và chàng cũng dẫn đường người chết đến thế giới âm phủ. 

Đồng thời, Hermes là người bảo trợ cho khách lữ hành. Điều này dường như khiến mối liên hệ của vị thần này với Y học trở nên phù hợp, bởi các Thầy thuốc ngày xưa phải đi bộ rất xa để thăm khám cho bệnh nhân.

Theo sử thi Homer, thần Hermes được thần Apollo, anh em cùng cha khác mẹ, tặng thiên sứ trượng, thể hiện mối giao hảo tốt đẹp. 

Ban đầu, đó chỉ là một cây gậy đơn giản được quấn hai dải băng trắng. 

Những dải băng sau đó được thay thế bằng những con rắn và thêm đôi cánh, để phù hợp với vai trò của thần Hermes.

Ngoài ra, một câu chuyện khác cho rằng Hermes đã sử dụng cây gậy để tách hai con rắn đang chiến đấu với nhau. Chúng cuộn quanh cây gậy của chàng không chịu rời, và kết quả là cây gậy phép với hai con rắn trở thành vật sở hữu mang tính biểu tượng của thần Hermes. 

Con rắn và cây gậy của thần y học Asclepius

Một hình ảnh phổ biến khác đó là cây trượng của Asclepius, không có cánh và chỉ có một con rắn. 

Trong tôn giáo và thần thoại Hy Lạp cổ đại, Asclepius là con trai của thần Mặt trời Apollo và công chúa người phàm Coronis.

Ông là thần y, nhà phẫu thuật và nhà nghiên cứu dược liệu, thường đi chữa bệnh với cây gậy có con rắn quấn quanh.

Con rắn và cây gậy của thần y học Asclepius

Theo truyện kể, đây là con rắn từng được Asclepius cứu chữa, và nó thì thầm vào tai ông những phương pháp trị bệnh bí mật.

Câu chuyện khác lại cho rằng, trong lần vị á thần này tình cờ giết một con rắn, ông thấy một con rắn khác bò tới và hồi sinh con rắn kia bằng thảo mộc. 

Sau đó, Asclepius đã tìm kiếm loại thảo mộc ấy để làm phương thuốc khiến người chết sống lại.

Vì e ngại Asclepius với y thuật tài tình sẽ giúp cho loài người trở nên bất tử, thần Zeus sai anh em nhà Cyclops tạo mũi tên sấm sét để trừng phạt cháu mình. 

Nhờ được thần Apollo xin, thần Zeus đã tha tội, cho Asclepius tham dự vào hàng tinh tú làm chòm sao Xà Phu (Ophiuchus). 

Đâu là biểu tượng chính thống của Y học?

Caduceus, quyền trượng của “sứ giả của các vị thần” Hermes, đã bị sử dụng sai như một biểu tượng ngành Y tế suốt hơn một trăm năm. 

Caduceus thường bị nhầm với cây gậy của Asclepius, một biểu tượng thuộc về vị thần của thuốc trong tôn giáo và thần thoại Hy Lạp.

Trường hợp đầu tiên được ghi lại bằng tài liệu về việc Caduceus bị sử dụng nhầm làm biểu tượng ngành Y tế là vào những năm 1850. Khi đó, nó được áp dụng trên phù hiệu của Bệnh viện Quân đội Hoa Kỳ. 

WHO đã dùng biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy của Asclepius

Đến năm 1902, hình tượng hai con rắn quấn trên cây gậy đã được thêm vào đồng phục của các sĩ quan Quân y Hoa Kỳ.

Có một giai đoạn, ngay cả Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cũng sử dụng biểu tượng Caduceus.

Mãi sau này, nhiều tổ chức lớn đã thay đổi biểu tượng của họ. 

Tuy nhiên, nhiều Cơ sở Y tế nhỏ ở Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng hình tượng cây gậy Caduceus của thần Hermes. 

Trên thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hiệp hội Y học Hoa Kỳ (AMA), Bộ Y tế Việt Nam,… đã dùng biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy của Asclepius. 

Ngoài ra, hình ảnh chén Hygeia với một con rắn được dùng làm biểu tượng của ngành Dược ở Châu Âu và ở Hoa Kỳ. 

Ý nghĩa của biểu tượng con rắn trong ngành Y tế

Hình tượng một con rắn quấn trên gậy gắn liền với Asclepius, thần y học của người Hy Lạp cổ đại, sở hữu tính nhân từ, sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ.

Khả năng lột da của rắn gắn liền với vòng tròn của sự sống, tinh thần phục hưng ở Hy Lạp cổ đại. 

Thời xưa, việc khám, chữa bệnh vẫn còn rất nhiều hạn chế, vết rắn độc cắn có thể thuộc dạng “vô phương cứu chữa”. 

Nhưng hình ảnh này gợi nhắc việc thần y Asclepius có khả năng đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về, thể hiện sự chuyên nghiệp và có trách nhiệm của Thầy thuốc. 

Vì vậy, trong số nhiều biểu tượng của ngành Y tế, cây gậy của thần Asclepius vẫn là biểu tượng được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới.

(Nguồn tham khảo: Tổng hợp)

Tìm hiểu biểu tượng con rắn trong ngành Y

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *