Tiêu chuẩn HL7 là gì? HL7 quan trọng như thế nào trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe? Mời các bạn cùng TPH tìm hiểu rõ hơn về Tiêu chuẩn HL7 ngay sau đây.
Giới thiệu đôi nét về Tiêu chuẩn HL7
Theo Khoản 3 Điều 2 Thông tư 53/2014/TT-BYT quy định điều kiện hoạt động y tế trên môi trường mạng, Tiêu chuẩn HL7 (Health Level 7) được Bộ Y tế định nghĩa “là tiêu chuẩn quốc tế cung cấp giao thức chuẩn về quản lý, trao đổi và tích hợp dữ liệu y tế giữa các hệ thống thông tin y tế nhằm hỗ trợ các hoạt động y tế”.
Các tiêu chuẩn HL7 được tạo ra bởi Health Level Seven International. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp cơ cấu toàn diện và các tiêu chuẩn liên quan cho việc trao đổi, tích hợp, chia sẻ và truy xuất thông tin y tế điện tử. Việc thông qua các tiêu chuẩn này tạo điều kiện để các cơ sở y tế vận hành, quản lý, cung cấp cũng như đánh giá các dịch vụ của mình.
HL7 được hơn 1600 đơn vị từ hơn 50 quốc gia hỗ trợ. Trong đó có hơn 500 thành viên đại diện cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tổ chức chính phủ, nhà thanh toán, công ty dược phẩm, nhà cung cấp và các công ty tư vấn.
Lịch sử phát triển của HL7
Theo sáng kiến của công ty CNTT Simborg Systems, tổ chức phát triển tiêu chuẩn phi lợi nhuận Health Level Seven International được thành lập năm 1987.
Trong cùng năm, tổ chức này đã phát triển HL7 V1. Đây là phiên bản đầu tiên của chuẩn dành riêng cho việc trao đổi thông tin y tế. Mục đích mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra khái niệm, xác định nội dung và cấu trúc của tiêu chuẩn.
Đến HL7 2.x, định dạng tin nhắn văn bản sử dụng cú pháp mã hóa không phải XML. Ở phiên bản được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới này, các hệ thống như PAS, PMS, LIS, EMR, EHR có khả năng tương tác lẫn nhau.
HL7 V3 khác biệt với V2 vì nó là mô hình kiểu dữ liệu. Rất nhiều bản tin, định dạng cho dữ liệu được xây dựng, các mô hình tham chiếu (RIM) cho HL7 liên tiếp được cập nhật. Tuy nhiên, việc phát triển các lĩnh vực chủ đề mất quá nhiều thời gian, cũng như quá trình thực hiện vẫn còn khá phức tạp, nên phiên bản 3.0 đã không được đánh giá cao.
Phiên bản HL7 FHIR xuất hiện vào năm 2011.
Với cách tiếp cận mới dựa trên các nguyên tắc RESTful, phiên bản này được thiết kế để đơn giản hóa và tăng tốc triển khai HL7.
HL7 FHIR đáp ứng mục tiêu tương tác hiệu quả giữa các hệ thống chăm sóc sức khỏe cũ và truy cập dữ liệu y tế từ nhiều loại thiết bị.
>> Xem thêm: HL7 FHIR
Tại sao các đơn vị y tế cần Tiêu chuẩn HL7?
Lợi ích đối với các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc tự động hóa các chức năng quản lý thông tin ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của các hoạt động chăm sóc sức khỏe.
Nếu các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chưa tự động hóa các hệ thống thông tin, họ khó có thể tham gia hiệu quả vào thị trường chăm sóc sức khỏe.
Các y bác sĩ, nhân viên y tế cần truy cập vào nhiều hệ thống điện tử khác nhau để xem các chẩn đoán liên quan cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, nếu họ cung cấp dịch vụ ở phòng khám ngoại trú không được tích hợp với hệ thống bệnh viện địa phương, việc truy cập còn khó khăn hơn.
Tiêu chuẩn HL7 là cầu nối giữa các dịch vụ y tế hiện đại với công nghệ thông tin. HL7 cung cấp cho các lớp dữ liệu lâm sàng (ví dụ: chẩn đoán, dị ứng, quy trình,…) một ngôn ngữ chung cho nội dung và các cấu trúc. Dữ liệu có thể được trao đổi qua Hồ sơ sức khỏe điện tử một cách rõ ràng, không bị mơ hồ và tránh nguy cơ hiểu sai.
Lợi ích đối với các cá nhân sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Với Tiêu chuẩn này, mạng y tế cho phép mỗi bệnh nhân có một bản ghi đầy đủ với toàn bộ hồ sơ bệnh lý, tiểu sử bệnh, cấm chỉ định thuốc, kèm theo các phương pháp đã điều trị trước đó.
Điều này cho phép các bệnh viện khác nhau có đầy đủ cơ sở khoa học để từ đó điều trị cho bệnh nhân một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, người bệnh sẽ được giảm thiểu mọi chi phí phát sinh không cần thiết.
Có thể nói, với giao thức trao đổi thông tin y tế thông qua chuẩn HL7, mạng y tế đem lại hiệu quả vô cùng to lớn không chỉ cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, mà còn góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế tại các nước.
Thực trạng sử dụng HL7 trong các hệ thống thông tin y tế tại Việt Nam
Việc sử dụng HL7 2.x đã được chấp nhận trên toàn cầu như là một chuẩn chung dành cho việc trao đổi thông tin y tế. Trong khi đó, các phiên bản 3.x sẽ được tiếp tục cập nhật và chấp nhận trong tương lai gần.
Bộ Y tế đánh giá chuẩn trao đổi dữ liệu trong ngành y tế là rất quan trọng, nên đã nỗ lực xây dựng mạng y tế khắp cả nước.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, đa số các liên kết trong mạng y tế ở Việt Nam vẫn dựa trên giao thức trao đổi dữ liệu của mạng Internet thông thường, với phần lớn kết nối mạng dưới dạng dial-up.
Hơn nữa, chủ yếu các kết nối Internet là các kết nối bằng thuê bao cá nhân. Vẫn chưa có các kết nối thuộc về đơn vị quản lý hoặc bệnh viện.
Hầu hết các bản ghi của bệnh nhân vẫn được trao đổi trên giấy tờ. Nhân viên y tế thành thạo tin học tại các bệnh viện, đặc biệt là các tuyến huyện, còn quá ít.
Trước thực tế đó, Bộ Y tế đã thành lập trung tâm tin học nhằm đáp ứng nhu cầu này. Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị phát triển ngành công nghệ y tế tại Việt Nam với sự góp mặt của các trường đại học danh tiếng: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa TP.HCM,…
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về những lợi ích khi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, cụ thể là về Tiêu chuẩn HL7.
Pingback:HL7 FHIR đem lại 4 lợi ích tuyệt vời gì cho hệ thống y tế? - TPH Solutions
Pingback:hl7 là gì (nghĩa) - hieuthem