Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với mục đích nâng cao chất lượng y tế cho người dân theo hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả và đảm bảo hội nhập quốc tế.

Chiều 8/9, Tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đại diện cho cơ quan soạn thảo Luật báo cáo, giải trình thêm các ý kiến của ĐBQH nêu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp.

Quyền Bộ trưởng khẳng định đây là một trong những dự án Luật rất quan trọng. Trong bối cảnh thời gian vừa qua ngành y gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt liên quan đến cơ chế chính sách, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế để khắc phục những tồn tại trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu trong quá trình hội nhập cũng như để có những điểm phát triển mới nhằm chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn thì yêu cầu của dự án Luật cần sự đòi hỏi rất lớn.

Đánh giá về phiên thảo luận tại Hội nghị về dự án Luật này, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định các ý kiến của ĐBQH đều chất lượng, đi đúng vào những vấn đề thực tiễn hiện nay đang đặt ra.

Quyền Bộ trưởng cho biết, để đạt được mục đích là nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo hướng: Công bằng, chất lượng, hiệu quả và đảm bảo hội nhập quốc tế, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu nghiêm túc, tối đa với một sự nỗ lực cao nhất kể cả về mặt nội dung, kỹ thuật lập pháp, văn phong. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng sẽ có những tổng kết, đánh giá tác động đối với nội dung, tình tiết mới. 

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị.

Giải trình thêm một số ý kiến ĐBQH đặt ra tại phiên thảo luận, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết:

Về giấy phép hành nghề: Đây là một nội dung mới và tại Kỳ họp thứ 3 cũng quy định những điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề, đó là: Đạt được kết quả tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề do Hội đồng y khoa Quốc gia tổ chức; Về thời điểm, hiện nay đang xây dựng sau hoàn thành quá trình thực hành để có những đội ngũ khi thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh.

“Chính vì vậy, cơ quan soạn thảo rất mong các ĐBQH ủng hộ theo hướng chúng ta quy định thời điểm kiểm tra sau khi đã hoàn thành chương trình thực hành. Bởi, việc thực hành sau tốt nghiệp không phải việc học thêm bất kỳ chương trình đào tạo nào mà đây là áp dụng kiến thức từ trường lớp vào thực tiễn dưới sự hướng dẫn của người lành nghề. Quy định này tương tự với quy định trong hành nghề luật sư. Đây cũng là hình thức nhiều nước trên thế giới đang sử dụng”, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Cũng theo Quyền Bộ trưởng, việc đánh giá ngay sau khi tốt nghiệp cũng có một số khó khăn. Chúng ta không đánh giá được thực chất năng lực hành nghề về lý thuyết, thực hành, kỹ năng chuyên môn, kiến thức pháp luật để làm căn cứ cho cấp giấy phép hành nghề. Trong quá trình áp dụng triển khai, rèn luyện mới bộc lộ được. Qua đó cũng không đánh giá được chất lượng của cơ sở thực hành, kể cả lý thuyết và thực hành…

Một nguyên nhân nữa rất quan trọng là làm sao đảm bảo được an toàn cho người bệnh trong mọi quyết định, kể cả từ những kỹ thuật đơn giản, trong quá trình thực hành đều phải có những quyết định và chịu sự giám sát của người hướng dẫn.

Về Hội đồng y khoa Quốc gia: Quyền Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội Kỳ họp thứ 3 cũng chỉ quy định Hội đồng y khoa Quốc gia cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề, chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ. Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, ban soạn thảo đã điều chỉnh theo hướng, chỉ giao cho Hội đồng y khoa Quốc gia thực hiện việc đánh giá năng lực hành nghề; việc cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép giao cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện.

Về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh:  Theo Quyền Bộ trưởng, tại dự thảo Luật cũng đã làm rõ hơn, đó là đối với người hành nghề, người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài đăng ký khám chữa bệnh tại Việt Nam thì mới yêu cầu phải biết tiếng Việt thành thạo.

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào để khám, chữa bệnh nhân đạo, đào tạo, thực hành, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về thì không có quy định phải biết tiếng Việt thành thạo. Việc đánh giá mức độ thành thạo tiếng Việt cũng như quy định yêu cầu cao hơn với người phiên dịch cũng đã được thể hiện trong dự thảo Luật.

Về cơ chế tài chính: Thực tế đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đây cũng là những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế trong thời gian qua. Có nhiều khó khăn, vướng mắc đã bộc lộ trong quá trình triển khai thực hiện. Chính vì vậy, cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến, trên cơ sở rà soát lại những nội dung mà pháp luật chuyên ngành đã có.

Về giá khám bệnh, chữa bệnh: Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, nếu thời điểm này chúng ta có được những định hướng cụ thể sẽ rất phù hợp bởi Chính phủ đang giao sửa đổi Luật Giá. Cùng với việc sửa đổi Luật Giá, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng sẽ tạo ra hệ thống hành lang pháp lý đồng bộ để có quy định liên quan đến giá khám bệnh, chữa bệnh.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn

 
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo hướng công bằng, hiệu quả

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *