Người đứng đầu Bộ Y tế cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi trong bối cảnh ngành y có rất nhiều vấn đề phải xử lý. Bộ Y sẽ tích cực phối hợp cùng với với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp thu và hoàn thiện luật này.
Ngày 28/9, tại TP.HCM, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thế lần thứ 7 cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhằm tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4.
Trước khi thảo luận, các đại biểu đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận về nội dung dự thảo luật này.
Tham dự phiên họp toàn thể lần thứ 7, TS.BS Lê Văn Cường – đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho hay, “Tiếng Việt thành thạo” là yếu tố rất quan trọng trong giao tiếp. Theo ông Cường, các bác sĩ nước ngoài sang Việt Nam rất ít người giỏi chuyên môn cũng như tiếng Việt, do vậy cần đặt ra tiêu chuẩn phải thành thạo tiếng Việt.
Cũng theo ông Cường, hệ thống cấp cứu là hệ thống yếu nhất trong khám chữa bệnh ở Việt Nam. “Tôi đề nghị cần có lộ trình để bảo hiểm y tế thanh toán chi phí vận chuyển”, ông Cường đề nghị.
Về khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa, theo ông Cường việc này đặc biệt hiệu quả trong thời gian dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, nếu không xảy ra dịch bệnh và thu phí thì mọi người sẽ sử dụng rất ít.
Đề cập về vấn đề ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh, GS.BS Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội khóa XV cho hay: “Tôi tự hỏi sao phải căng chuyện ngôn ngữ? Có hai mục đích. Một là để khám chữa bệnh cho tốt, hai là để ngăn chặn những người nước ngoài không đủ trình độ, năng lực qua đây khám chui khám lủi. Nhiều bác sĩ Trung Quốc sang đây hành nghề không ai biết bằng của họ xuất phát từ đâu. Vậy theo tôi, mình xây dựng luật thế nào để làm tốt hai vấn đề này”.
GS. Nguyễn Anh Trí chia sẻ, mấy chục năm thực tiễn làm tại bệnh viện, đơn vị của ông có người nước ngoài vào làm việc rất nhiều. Tuy nhiên, ông thấy rằng những bác sĩ giỏi và chân chính lúc nào cũng muốn có người phiên dịch, ngôn ngữ phải được thông hiểu. Và ngoài ngôn ngữ, ông thấy có nhiều công cụ khác hỗ trợ.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, vấn đề giá là vô cùng quan trọng. Giải quyết được giá thì tất cả các vấn đề phức tạp liên quan đến điều hành y tế sẽ được giải quyết.
Cho ý kiến về vấn điều này, tại phiên họp, đại biểu Đỗ Thị Lan – Ủy viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội góp ý.
Về điều 4 của chính sách nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, mặc dù trong dự thảo luật đưa ra nhiều chính sách khám bệnh, chữa bệnh như: miễn giảm trong khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu ngoại viện, chính sách đãi ngộ về khám bệnh, chữa bệnh… đây đều là những chính sách cần có, tuy nhiên lại thiếu hướng dẫn để thực hiện bởi vẫn chung chung.
Liên quan đến vấn đề Hội đồng Y khoa quốc gia quy định rất nhiều nhiệm vụ, mô hình, tổ chức hoạt động, theo bà Lan, phải làm rõ một số vấn đề như: Hội đồng Y khoa có các thành phần nhà nước tham gia không bởi vì trong dự thảo Luật có cả hoạt động kiểm tra, thực hiện nhiều nhiệm vụ. Cần làm rõ cơ sở kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề là như thế nào? Cơ sở này có phải là cơ sở trực thuộc Hội đồng Y khoa không? Có phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc phát sinh các bộ máy?
Vì thế, theo bà Lan, Hội đồng Y khoa quốc gia chỉ nên dừng lại ở việc đánh giá năng lực hành nghề còn việc kiểm tra, liên quan các hoạt động thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước nên là một cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Y tế.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn các đại biểu đã có ý kiến tham gia tích cực.
Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ, từ sau thời gian về Bộ Y tế nhận quyết định công tác, bà dành nhiều thời gian cho Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.
“Chúng ta phải khẳng định với nhau một điều là, Luật khám bệnh, chữa bệnh là một luật khó lại diễn ra trong bối cảnh ngành y có rất nhiều vấn đề phải xử lý. Trong khi đó, vấn đề mong muốn của đại biểu Quốc hội là làm sao luật này nếu được ban hành thì phải giải quyết được những vấn đề mà ngành y hiện đang gặp phải”, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Người đứng đầu Bộ Y tế cũng cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi trong bối cảnh Quốc hội và Chính phủ cũng đang sửa đổi rất nhiều luật khác. Chính vì vậy, có những vấn đề xử lý trong luật này và có những vấn đề phải xử lý đồng hành trong những luật khác. Đơn cử như vấn đề đấu thầu, giá, bởi ngoài giá khám, chữa bệnh, đấu thầu quy định trong ngành y, có những nguyên tắc, nguyên lý của Luật Giá, Luật Đấu thầu.
Trước những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết với trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Xã hội của Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý. Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đây là “sản phẩm chung” của Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Bộ Y tế và bà mong lãnh đạo Ủy ban Xã hội của Quốc hội khi kết luận thì ‘gút’ lại các vấn đề để làm sao để cả hai có được tiếng nói chung.
“Mục tiêu của chúng tôi khi xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) này để sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009. Đó là cách tiếp cận lấy người bệnh là trung tâm, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Đây là mục tiêu chính của Luật Khám bệnh, chữa bệnh khi sửa đổi”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Theo Quyền Bộ trưởng, đến nay, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 chỉ còn một điểm chưa hoàn thiện đó là vấn đề quy chuẩn quốc gia chưa có hướng dẫn nên còn khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, còn lại các nội dung khác đã được triển khai, hướng dẫn.
Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho rằng, việc xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong bối cảnh liên quan đến rất nhiều quy định của các luật khác. Đơn cử về luật giáo dục, chẳng hạn như ngày xưa ngành y chỉ có một số cơ sở trường y của ngành y tế đào tạo nhưng bây giờ có nhiều bộ ngành, lĩnh vực khác cũng đào tạo. Cho nên vấn đề đặt ra là làm sao để kiểm soát được chất lượng đào tạo ngành y để người dân được khám những bác sĩ có chất lượng.
“Hôm nay tôi thấy ý kiến của các đại biểu đặc biệt là các đại biểu trực tiếp trong phiên họp rất sâu sắc. Những nội dung nào tiếp thu được chúng tôi sẽ phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội để làm rõ hơn từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, tôi cũng phải khẳng định một điều là Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi là một luật khó và nếu chỉ bám theo phạm vi ban đầu của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 thì sửa đổi đơn giản nhưng với mong muốn giải quyết được những vấn đề bất cập về tài chính, vấn đề xã hội hóa, vấn đề về giá và nhất là vấn đề tự chủ nổi lên hiện nay là khó mặc dù đã có luật chuyên ngành bởi vì khi xây dựng những luật kia chúng ta chưa hình dung ra hết được vấn đề vướng mắc”, bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Trước ý kiến của các đại biểu tại sao lại có Hội đồng Y khoa, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết việc này là do triển khai Nghị quyết 20 của Ban chấp hành TW và phải thể chế hóa bằng luật.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ tích cực phối hợp cùng với với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp thu và hoàn thiện Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Luật Khám bệnh, chữa bệnh là “luật xương sống” của ngành y tế, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, việc đề xuất xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) hiện tại theo quy trình là 2 kỳ họp.
Kết luận buổi thảo luận cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, vào giai đoạn này tất cả các cơ quan soạn thảo, kiểm tra đều đang giúp việc cho Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý và giải trình theo ý kiến của đại biểu quốc hội. Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ phối hợp với Bộ Y tế tiếp thu, chỉnh lý thấu đáo để có một dự thảo tốt nhất để báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4 tới.
Nguồn: suckhoedoisong.vn