Xét nghiệm Coombs là một loại xét nghiệm miễn dịch huyết học khá phổ biến, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về kỹ thuật này.
Đây là phương pháp xét nghiệm y học được sử dụng để tìm ra nguyên nhân gây thiếu máu đột ngột ở người. Nói cách khác, nó giúp tìm ra kháng thể gây hiện tượng tan máu.
Vậy nghiệm pháp Coombs có mấy loại và đóng vai trò thế nào trong y học? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua nội dung sau đây nhé!
Xét nghiệm miễn dịch huyết học là gì?
Xét nghiệm miễn dịch huyết học là nghiên cứu kháng nguyên trên các tế bào máu và kháng thể phản ứng với các kháng nguyên này.
Trong các xét nghiệm huyết học được sử dụng để khảo sát tế bào máu và các bệnh về máu, có xét nghiệm Coombs.
Xét nghiệm Coombs là gì?
Xét nghiệm Coombs còn được gọi là xét nghiệm kháng globulin (DAT).
Nhân viên Y tế dùng xét nghiệm này để phát hiện các kháng thể có tác dụng tiêu diệt hồng cầu trong cơ thể, dẫn tới hiện tượng tan huyết nguy hiểm.
Xét nghiệm Coombs có mấy loại?
Hiện có 2 loại xét nghiệm Coombs, bao gồm:
Xét nghiệm Coombs trực tiếp
Nghiệm pháp Coombs trực tiếp cho phép tìm thấy các kháng thể gắn vào tế bào hồng cầu.
Các kháng thể này cũng có 2 dạng:
Kháng thể do cơ thể tự tạo ra vì mắc những bệnh như Lupus ban đỏ, tăng bạch cầu dòng lympho,…
Kháng thể do bên ngoài truyền vào (qua đường truyền máu, truyền từ mẹ sang con qua nhau thai,…
Xét nghiệm Coombs gián tiếp
Nghiệm pháp Coombs gián tiếp giúp tìm thấy các kháng thể trong huyết thanh của máu.
Đây là những kháng thể tấn công vào tế bào hồng cầu, nhưng không gắn trực tiếp vào tế bào hồng cầu.
Phản ứng này thường được áp dụng nhằm tìm kháng thể trong máu người nhận/người hiến máu trước khi thực hiện công tác truyền máu.
Khi nào sử dụng nghiệm pháp Coombs?
Các trường hợp sử dụng xét nghiệm Coombs trực tiếp
Khi có hiện tượng bất thường của máu trong cơ thể
Đông máu, tan máu hoặc cơ thể thiếu máu nghiêm trọng đều là những hiện tượng bất thường.
Khi đó, Nhân viên Y tế sẽ làm xét nghiệm Coombs trực tiếp để kiểm tra yếu tố kháng thể bám lên bề mặt tế bào hồng cầu.
Ngoài ra, có thể kể đến một số căn bệnh gây ra hiện tượng bất thường của máu trong cơ thể bệnh nhân, như:
- Lupus ban đỏ bẩm sinh
- Bệnh tự miễn
- Nhiễm vi khuẩn Mycoplasma
- Bệnh tán huyết tự miễn
- U bạch huyết
Khi bệnh nhân được truyền máu có dấu hiệu bất thường
Bệnh nhân sau khi được truyền máu, nếu xảy ra dấu hiệu bất thường, có thể thực hiện xét nghiệm Coombs trực tiếp.
Điều này sẽ giúp xác định nguyên nhân có phải do kháng thể của người truyền máu không phù hợp hay không.
Khi kiểm tra nhóm máu Rh của mẹ và em bé
Trong trường hợp mẹ có nhóm máu Rh- nhưng em bé sinh ra có nhóm máu Rh+, phải dùng nghiệm pháp Coombs để biết nhóm máu của mẹ có truyền kháng thể cho nhóm máu của trẻ trong quá trình mang thai hay không.
Từ đó, gia đình bệnh nhân nắm được tình trạng sức khỏe của bé và thực hiện những biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe của trẻ khi lớn lên.
Các trường hợp sử dụng xét nghiệm Coombs gián tiếp
Sàng lọc trước khi truyền máu
Trước khi tiến hành truyền máu, nghiệm pháp Coombs gián tiếp giúp phát hiện các kháng thể kháng với hồng cầu của người nhận.
Điều này giúp ích cho việc chọn lựa được người có máu phù hợp để hiến cho người nhận.
Xét nghiệm tiền sản cho phụ nữ mang thai có nhóm máu Rh-
Nếu thai nhi có nhóm máu Rh+ trong khi mẹ có nhóm máu Rh-, huyết thanh của người mẹ sẽ lưu hành một lượng kháng thể kháng hồng cầu.
Sự bất đồng nhóm máu Rh giữa mẹ và con sẽ làm tổn hại nghiêm trọng cho em bé.
Qua phản ứng Coombs gián tiếp, Bác sĩ tiên lượng được các trường hợp mang nhóm máu Rh khác nhau giữa mẹ và con, từ đó đưa ra giải pháp có lợi nhất cho sức khỏe của mẹ và bé.
Xem thêm: Xét nghiệm miễn dịch: 3 điều cần biết
Ý nghĩa lâm sàng của nghiệm pháp Coombs
Kết quả xét nghiệm Coombs bình thường
Đây là mẫu không tồn tại kháng thể và cho ra kết quả âm tính.
Xét nghiệm Coombs trực tiếp cho kết quả âm tính tức là trong máu không có kháng thể được gắn vào tế bào hồng cầu.
Xét nghiệm Coombs gián tiếp cho kết quả âm tính khi máu trong cơ thể tương thích với máu nhận qua truyền máu.
Với phụ nữ mang thai, nghiệm pháp Coombs gián tiếp cho kết quả âm tính có nghĩa là Rh trong máu người mẹ chưa sản sinh ra kháng thể có thể chống lại Rh dương của bé – chứng tỏ không xảy ra nhạy cảm Rh.
Kết quả xét nghiệm Coombs bất thường
Kết quả dương tính khi làm nghiệm pháp Coombs trực tiếp cho biết có kháng thể chống lại hồng cầu trong máu.
Đây có thể là do phản ứng truyền máu, thiếu máu tán huyết hoặc do bệnh tan máu ở trẻ sơ sinh.
Kết quả dương tính khi làm xét nghiệm Coombs gián tiếp tức là máu của người cho – người nhận không tương thích nhau. Và người nhận không thể lấy máu từ người cho này.
Đối với phụ nữ đang mang thai hay có ý định mang thai mà có Rh- trong máu, kết quả Coombs gián tiếp dương tính nghĩa là họ có kháng thể chống lại Rh+.
Vì thế, người mẹ cần được xét nghiệm sớm trong thai kỳ, kiểm tra thai nhi mang nhóm máu gì để được chăm sóc, theo dõi chặt chẽ nếu bé mang Rh+.
Thêm vào đó, Bác sĩ có thể ngăn chặn nhạy cảm xảy ra bằng một mũi tiêm immunoglobulin Rh.
Những ai không nên thực hiện nghiệm pháp Coombs?
Một số đối tượng không nên làm xét nghiệm Coombs, vì có thể ảnh hưởng đến kết quả, đó là:
- Người đã từng truyền máu trong quá khứ
- Phụ nữ có thai trong khoảng 3 tháng đầu
- Bệnh nhân đang dùng các loại thuốc như insulin, sulfa, cephalosporin, tetracycline, thuốc trị ho.
Tạm kết
Nghiệm pháp Coombs có thể được thực hiện ở rất nhiều Bệnh viện, Phòng khám hiện đại.
Khi khám cho người mắc bệnh về máu, bên cạnh những phương pháp thăm khám lâm sàng cơ bản, Nhân viên Y tế có thể tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng, trong đó có xét nghiệm Coombs.
Lý do là vì kết quả xét nghiệm nhiều khi có tính chất quyết định để chẩn đoán bệnh.
Mong rằng, các bạn đã hiểu rõ hơn về xét nghiệm Coombs cũng như xét nghiệm miễn dịch huyết học.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của TPH mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, bệnh nhân hãy tới Cơ sở Y tế để được Bác sĩ thăm khám trực tiếp nhé!