Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 đang được đẩy nhanh tiến độ ở nước ta. Các loại vắc xin Covid-19, cùng mức độ an toàn và tính hiệu quả của chúng là mối quan tâm của rất nhiều người hiện nay.
Vắc xin phòng Covid-19 là gì?
Vắc xin Covid-19 là loại vắc xin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp, giúp ngăn ngừa virus SARS-CoV-2.
Cho tới nay, đã có rất nhiều đơn vị công bố sản xuất thành công vắc xin ngừa Covid-19 với hiệu quả khá tích cực.
Vắc xin Covid-19 giúp cơ thể tạo miễn dịch như thế nào?
Khả năng miễn dịch đối với bệnh Covid-19 được đánh giá thông qua sự hiện diện của kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 trong hệ miễn dịch của cơ thể.
Cơ thể chúng ta có hai cơ chế miễn dịch, đó là miễn dịch thụ động và miễn dịch chủ động.
Miễn dịch thụ động
Miễn dịch thụ động chống bệnh Covid-19 có thể đạt được nhờ huyết thanh từ bệnh nhân đã hồi phục sau khi mắc bệnh này.
Miễn dịch chủ động
Miễn dịch chủ động có được khi tiếp xúc với virus gây bệnh SARS-CoV-2, qua đó kích hoạt hệ thống miễn dịch để tạo ra các kháng thể bảo vệ chúng ta trước Covid-19.
Tiêm vắc xin Covid-19 là cách để cơ thể có khả năng miễn dịch chủ động.
Đã có hơn 100 loại vắc xin Covid-19 đang ở các giai đoạn phát triển tiền lâm sàng. Mỗi loại vắc xin được sản xuất theo những cơ chế khác nhau để tạo ra miễn dịch, nhưng tất cả chúng đều có điểm chung là ngoài việc tạo ra kháng thể chống lại virus Covid-19, còn có thể tạo ra tế bào lympho T và lympho B ghi nhớ để chống lại virus nếu bị tấn công trong tương lai.
Ở thời điểm này, các chuyên gia vẫn tiếp tục tìm hiểu thời gian mà các tế bào ghi nhớ nói trên bảo vệ cơ thể khỏi virus SARS-CoV-2 là trong bao lâu.
Các công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19
Vắc xin virus toàn phần
Có 2 dạng vắc xin virus toàn phần, bao gồm vắc xin bất hoạt (Inactivated vaccine) và vắc xin sống giảm độc lực (Live-attenuated vaccine).
Vắc xin bất hoạt chứa virus mà vật chất di truyền của nó đã bị phá hủy bởi nhiệt, hóa chất hoặc bức xạ. Vì thế, virus không thể lây nhiễm và tái tạo tế bào nhưng vẫn có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch cho cơ thể.
Còn vắc xin sống giảm độc lực sử dụng một dạng virus gây bệnh đã suy yếu, vẫn có thể phát triển và nhân lên, nhưng cũng không gây bệnh.
Theo WHO, công nghệ sử dụng virus toàn phần để sản xuất vắc xin Covid-19 đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm đặc biệt, nhằm nuôi cấy virus đảm bảo an toàn. Thời gian sản xuất loại vắc xin này có thể tương đối dài và sẽ cần tiêm hai hoặc ba liều.
Vắc xin tiểu đơn vị (Subunit vaccine)
Vắc xin tiểu đơn vị không dùng toàn bộ con virus mà chỉ sử dụng một phần nhỏ của tác nhân gây bệnh hoặc các phân đoạn của protein.
Theo Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI), sử dụng một phần của virus giúp giảm nguy cơ tác dụng phụ. Tuy vậy, vắc xin này cũng có thể tạo đáp ứng miễn dịch yếu hơn, nên có thể sẽ phải tiêm nhắc lại.
Ngoài ra, vắc xin tiểu đơn vị thường phải dùng thêm tá dược, là các chất giúp nâng cao tác dụng sinh miễn dịch của vắc xin. Đây là loại vắc xin Covid-19 được đánh giá phù hợp với những đối tượng có hệ miễn dịch bị tổn thương.
Vắc xin mRNA
mRNA là viết tắt của RNA Thông tin (Messenger RNA) – vật liệu di truyền để cơ thể biết cách tạo ra protein.
Vắc xin ngừa Covid-19 được chế tạo bằng công nghệ này chứa mRNA bọc trong lớp phủ, vừa giúp phân phối dễ dàng, vừa bảo vệ cơ thể khỏi bị tổn thương.
mRNA trong vắc xin cung cấp cho các tế bào hướng dẫn tạo ra bản sao của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2.
Theo đó, nếu bị nhiễm virus gây bệnh Covid-19 thật, cơ thể sẽ nhận biết và tạo nên đáp ứng miễn dịch chống lại virus.
Vắc xin vector virus (Viral vector vaccine)
Khác với nhiều loại vắc xin thông thường khác, vắc xin vector virus không thực sự chứa kháng nguyên mà dùng chính tế bào của cơ thể để sản xuất chúng.
Loại vắc xin phòng Covid-19 này sử dụng một loại virus đã được biến đổi (vector). Virus này không thể gây bệnh, có vai trò vận chuyển mã di truyền (là các protein gai trên bề mặt của virus SARS-CoV-2) cho kháng nguyên.
Khi được tiêm vào cơ thể, vắc xin vector virus sẽ bắt chước những gì xảy ra trong quá trình lây nhiễm tự nhiên, kích hoạt phản ứng miễn dịch.
>> Xem thêm: Phần mềm tự động hóa quản lý tiêm chủng TPH.Vaccine
6 loại vắc xin ngừa Covid-19 đã được cấp phép ở Việt Nam
Số thứ tự |
Tên vắc xin |
Nhà sản xuất |
Bản chất |
1 |
AstraZeneca | Tập đoàn AstraZeneca (Anh Quốc) | Vắc xin vector virus |
2 | Comirnaty | Công ty Pfizer/BioNTech (Hoa Kỳ) | Vắc xin mRNA |
3 | Janssen | Công ty Janssen của Tập đoàn Johnson & Johnson (Hoa Kỳ) | Vắc xin vector virus |
4 | Spikevax (tên khác: Moderna) | Công ty Moderna (Hoa Kỳ) | Vắc xin mRNA |
5 | Vero Cell | Sinopharm / BIBP (Trung Quốc) | Vắc xin bất hoạt |
6 | Sputnik V | Viện Nghiên cứu Gamaleya (Nga) |
Vắc xin vector virus |
Mong rằng những chia sẻ ở trên đã giúp quý độc giả của TPH hiểu rõ hơn về các loại vắc xin phòng Covid-19.
(Nguồn tham khảo: VNVC.vn, thanhnien.vn, moh.gov.vn)